Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCXÃ HỘIThách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam

Thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam

Thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam

(TG) – Già hóa dân số có tác động ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Theo Liên hợp quốc, nếu một quốc gia có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt tới 10% tổng dân số thì quốc gia đó được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hoá; từ 20% đến dưới 30% thì gọi là “dân số già”; từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”. Già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở nước ta và có những đặc điểm nổi bật như sau: (i) Diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số; (ii) Già hóa dân số cũng diễn ra với nhịp độ khác nhau theo giới tính và theo vùng, miền; (iii) Già hóa dân số đi kèm với nhu cầu tiếp tục làm việc gia tăng; (iv) Già hóa dân số chưa gắn với cải thiện sức khỏe người già; (v) Người già chủ yếu sống ở nông thôn và có mức sống thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của người dân liên tục tăng nhanh, từ 68,6 tuổi vào năm 1999 lên 73,2 tuổi vào năm 2014 và dự báo là 78 tuổi vào năm 2030. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2017, dân số từ 65 tuổi của nước ta đã chiếm 7,15% tổng dân số[1] và nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số[2]. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (2010) và Liên Hợp Quốc (2012), nước ta chỉ cần 20-21 năm để đưa tỷ lệ nói trên lên 14% và giai đoạn 2021-2037 được coi là thời gian quá độ để chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”.

Già hóa dân số có tác động ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, và từ đó, đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và cả văn hóa. So với nhiều nước trên thế giới, già hóa dân số ở nước ta gây ra nhiều thách thức cần phải giải quyết: (i) Suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến giảm tăng trưởng vốn, kìm hãm tăng năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp; (ii) Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, sự gia tăng nghèo và bất bình đẳng trong xã hội; (iii) Sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và  hệ thống y tế; (iv) Sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi) và lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi, chi tiêu công sẽ buộc phải tăng lên; (v) Những thách thức về xã hội như đảm bảo đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi, điều chỉnh thị trường lao động-việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già…

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng tạo ra các cơ hội phát triển ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi.  Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế của người dân cả nước có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển. Xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang… phục vụ nhóm khách hàng này cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn trước.

Thực tế cho thấy, người cao tuổi ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn chủ yếu là lớp người thuộc thời kỳ chiến tranh, sống ở nông thôn, nghèo khó nên sức khỏe yếu, đời sống nhìn chung còn nhiều khó khăn, bất cập. Những vấn đề rất đáng quan tâm đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, đó là:

Sức khỏe người cao tuổi yếu và có nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Nguồn vốn ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư cho công tác chăm sóc y tế cho người cao tuổi.

Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

Thu nhập của người cao tuổi thấp, không ổn định,sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Phần lớn người cao tuổi không có bảo hiểm xã hội. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Một bộ phận xã hội còn có quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.

6 GIẢI PHÁP

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh[3] là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số[4].

Quán triệt quan điểm và định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong thời gian tới cần phải tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già, chuẩn bị cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội. Do đó, cần coi trọng và thực hiện những giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, về quan điểm, cần nhìn nhận người cao tuổi, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là chỗ dựa cho các thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận chỉ như các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Thứ hai, đặt già hóa dân số là một trong những vấn đề ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Già hóa dân số đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề già hóa dân số cần phải có vai trò tương xứng với những ảnh hưởng của vấn đề này đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cũng từ đó, nhóm dân số già cần được nhìn nhận như các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, thay vì chỉ như là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội.

Thứ ba, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ già hóa dân số. Già hóa dân số đang trở thành xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Do vậy, trong phát triển kinh tế – xã hội cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà già hóa dân số mang lại. Trong đó, giải quyết vấn đề già hóa dân số theo quan điểm thuận thiên, để chung sống hài hòa với già hóa dân số.

Thứ tư, đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. Khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi. Cần xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người cao tuổi an tâm với mức sống khi đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, đầu tư cho một hệ thống lương hưu nhằm đem lại sự độc lập về kinh tế và giảm nghèo cho người cao tuổi. Trong điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam, khi lượng lao động làm việc ở khu vực phi chính thức cao, cần chú trọng đến cải thiện khả năng bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí cho người cao tuổi. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội cần phải được thực hiện và hoàn thiện để giúp người cao tuổi tiếp cận được với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng, nâng cao năng lực chăm sóc, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổiCần hướng tới sự phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến để quá trình già hóa dân số diễn ra một cách năng động, với sự đảm bảo sức khỏe, và sự đóng góp tích cực cho xã hội của người cao tuổi. Đồng thời, tăng cường đào tạo cán bộ chăm sóc và cán bộ chuyên môn y tế trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Thêm vào đó, cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa cho những người chăm sóc người cao tuổi bao gồm các thành viên trong gia đình, các cán bộ cộng đồng.

Thứ sáu, xã hội hóa, huy động các nguồn lực đa dạng để đáp ứng nhu cầu của sự già hóa dân số. Nhu cầu của nhóm dân số già sẽ đem đến các cơ hội như hình thành các thị trường mới và để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi. Sử dụng vốn đầu tư công làm vốn đầu tư ban đầu, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đáp ứng các nhu cầu về y tế, văn hóa ngày càng cao của nhóm người cao tuổi.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

ThS. Nguyễn Huy Cường

Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Hội đồng Lý luận Trung ương


[1]https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.65UP.TO.ZS?locations=VN

[2]Theo phân loại của Cowgill và Holmes (1970) [trích dẫn từ Andrews và Philips, 2005], khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% đến 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, 10%-19,9% gọi là dân số “già”; 20%-29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”. Nhiều báo cáo của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế sử dụng cách phân loại này (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 2011);

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.108.

[4] Sđd, tr.151.

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments