GDVN- Vượt qua 18 quốc gia, 1486 bài dự thi, sinh viên Đại học Nguyễn Trãi giành giải Bạc tại cuộc thi “Giải thưởng thiết kế quốc tế Busan 2021”.
Cuộc thi thiết kế quốc tế Busan do thành phố trực thuộc trung ương Busan, Bộ giáo dục thành phố Busan, Trung tâm toàn cầu Busan, Viện chấn hưng thiết kế Busan tổ chức. Năm 2021, cuộc thi có sự tham gia của 18 quốc gia trên thế giới (Australia, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Mỹ…) với 1486 bài dự thi.
Tham dự cuộc thi, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) gửi 25 tác phẩm dự thi và 3 tác phẩm vượt qua vòng loại.
Trường Đại học Nguyễn Trãi, cho biết quá trình gửi bài thi vào vòng 2 diễn ra rất phức tạp và mất nhiều thời gian, hơn nữa đa phần sinh viên dự thi của trường đang trong thời gian thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp. Chính vì thế quỹ thời gian các bạn dành cho cuộc thi là rất hạn chế.
Nắm bắt được tình hình, giảng viên hướng dẫn Trường Đại học Nguyễn Trãi đã nhanh chóng hỗ trợ bằng cách cùng các em sinh viên bắt tay vào thực hiện các công việc như: dịch tên tác phẩm, kiểm tra các thông số như kích thước, hệ màu, chất lượng ảnh… Quá trình hoàn thiện tác phẩm đúng yêu cầu và gửi bài thi sang Hàn Quốc diễn ra trong khoảng 15 ngày.
Vượt qua gần 1500 tác phẩm dự thi đến từ 18 quốc gia, bước vào vòng 2 “Giải thưởng thiết kế quốc tế Busan 2021” là một quá trình đầy vất vả mà thầy và trò Trường Đại học Nguyễn Trãi đã phải trả bằng cả mồ hôi và những giọt nước mắt. Đổi lại những giọt nước mắt ấy là cả 3 tác phẩm dự thi của NTU lọt vào vòng 2 đều xuất sắc đạt giải, cụ thể:
1. Nữ sinh Vũ Thu Huyền K16TKĐ – Giải Bạc (top 10 cuộc thi)
Minh hoạ Dế mèn phiêu lưu ký – Lĩnh vực: Thiết kế truyền thông |
Sinh viên Vũ Thu Huyền K16TKĐ – Đại học Nguyễn Trãi, giành giải Bạc cuộc thi “Giải thưởng thiết kế quốc tế Busan 2021”. |
Nhận thông báo giành giải thưởng, Thu Huyền vui mừng chia sẻ: “Em thật sự rất bất ngờ và vui mừng khi đã may mắn đạt được giải thưởng danh giá như vậy. Em nghĩ rằng giải thưởng này không phải chỉ một mình cá nhân em nỗ lực là giành được, mà còn phải có sự định hướng của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Luận, sự chia sẻ và dạy bảo rất tận tình của các thầy cô trong khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng đã giúp em tiến bộ từng ngày trong suốt 4 năm đại học.
Học tập tại môi trường đại học ứng dụng Nguyễn Trãi giúp em được thực hành và trải nghiệm nhiều, được thầy cô chỉ bảo tận tình trong từng tiết học. Đặc biệt, em muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy Bình và cô Nhung luôn đồng hành chỉ bảo cặn kẽ cho chúng em từ những ngày đầu tiên đến bây giờ. Em cũng xin gửi lời cảm ơn toàn thể các thầy cô cũng như các anh chị nhân viên và nhà trường đã hỗ trợ em hết mình trong những ngày qua”.
2. Nam sinh Trần Ngọc Tú K17KTR – Giải Ý tưởng Sáng tạo IBDA
Thiết kế Khu giải trí công nghệ số hãng điện tử Sam Sung – Lĩnh vực: Thiết kế sản phầm và môi trường. |
3. Nam sinh Nghiêm Đức Hiếu K16TKĐ – Giải Ý tưởng Sáng tạo IBDA
Thiết kế nhận diện thương hiệu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) – Lĩnh vực: Thiết kế truyền thông |
Khi biết tin tác phẩm của mình đạt giải, Đức Hiếu chia sẻ: “Nếu không có thầy cô khoa Mỹ thuật ứng dụng, không có sự ủng hộ của nhà trường thì mình chưa thể nhận được giải thưởng giá trị này.
May mắn được học tập trong môi trường đại học ứng dụng bởi vậy trong tác phẩm dự thi mình đề cao yếu tố sáng tạo nhưng gắn liền với thực tế sử dụng. Một lần nữa mình xin cảm ơn nhà trường đã tạo ra những sân chơi lớn, để chúng em có thể cọ sát với bạn bè quốc tế và khẳng định bản thân”.
Đại học Nguyễn Trãi được hàng nghìn bạn trẻ yêu thích vì chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, thuận lợi cho quá trình tìm việc sau khi tốt nghiệp. |
Tại Việt Nam, Đại học Nguyễn Trãi (NTU – Hà Nội) – ngôi trường sản sinh ra những nhân tài chinh phục “Giải thưởng thiết kế Busan 2021” được biết đến là một trong những trường tiên phong áp dụng mô hình đào tạo “đại học ứng dụng” vào giảng dạy với mong muốn đưa ra giải pháp cho tình trạng khủng hoảng thừa cử nhân sau khi tốt nghiệp, mang tới cho xã hội nguồn nhân sự chất lượng, vững kiến thức và giỏi chuyên môn.
Theo mô hình này, sinh viên theo học tại NTU sẽ chỉ học 30% lý thuyết trên giảng đường, 70% phần kiến thức còn lại sẽ là trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Với chiến lược đầu tư đào tạo công dân toàn cầu, sinh viên NTU được trang bị chuẩn đầu ra với 2 ngoại ngữ gồm: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…
Lớp học thông minh tại NTU. |
Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, từ nay đến năm 2025, nhà trường tập trung đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, sinh viên của trường được tạo mọi điều kiện học tập tốt cũng như cơ hội và học bổng từ các trường đại học danh tiếng, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp hợp tác với Nhà trường, được tham gia vào các chương trình đào tạo chuyển tiếp (2 + 2) sang các trường đại học của Hàn Quốc, Nhật Bản (2 năm học tại Hàn Quốc, Nhật Bản, 2 năm học tại Việt Nam) nhận bằng cử nhân 2 trường đại học.
Để phát huy thế mạnh mô hình “đại học ứng dụng”, NTU còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục (SMART UNIVERSITY), đơn giản hóa công tác quản lý và tổ chức đào tạo; tạo ra sự tương tác đa chiều cho sinh viên.
Thành tích của sinh viên NTU tại “Giải thưởng thiết kế quốc tế Busan 2021” chính là tiền đề cho sự hợp tác giữa trường Đại học Nguyễn Trãi và Viện chấn hưng thiết kế Busan, nhằm triển khai thực hiện những chương trình đào tạo thiết kế tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho hàng chục nghìn bạn trẻ yêu thích lĩnh vực thiết kế tại Việt Nam được tiếp cận với một mô hình đào tạo thiết kế đạt chuẩn quốc tế.
Kiến Văn