GDVN- Với niềm đam mê về kinh doanh và lập trình, Nguyễn Đức Anh Phú (sinh năm 2003, quê Lâm Đồng) đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh của Đại học Harvard (Mỹ).
Tốt nghiệp trường Papillion La-Vista South High School (Mỹ) vào tháng 5/2021, Nguyễn Đức Anh Phú liên tục nhận tin vui khi trúng tuyển vào các trường đại học nổi tiếng, trong đó riêng Đại học Harvard trao học bổng gần 7 tỉ đồng cho 4 năm học.
Đại học Harvard là một trong những đại học lâu đời và danh tiếng nhất thế giới, thuộc khối Ivy League – nhóm 8 đại học tư thục tốt nhất nước Mỹ.
Ngoài Harvard, Phú cũng đăng ký ứng tuyển ở một số trường khác như Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Pennsylvania, Cornell, Creighton, UNO, UNL và nhận được lời chấp thuận 5/8 trường.
“Chưa từng nghĩ đến sẽ được học trong một ngôi trường danh tiếng tại Mỹ, vì vậy khi biết tin trúng tuyển em cảm thấy rất vui mừng và sung sướng”, Phú cho hay.
Nguyễn Đức Anh Phú giành học bổng toàn phần tại Đại học Harvard. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ về úa trình giành học bổng 100% của Đại học Harvard, Anh Phú cho hay, hồ sơ học bổng bao gồm 3 bài luận (1 bài luận chính, 2 bài luận phụ); các hoạt động ngoại khóa; chứng chỉ SAT/ SCT.
Ngoài ra, đại học Harvard không giống như các trường thông thường khác, không tuyển sinh viên chỉ dựa trên điểm kiểm tra của họ. Trường phân tích toàn bộ con người, từ các hoạt động ngoại khóa, hoàn cảnh gia đình đến tình hình tài chính để đánh giá xem ai vào được Harvard.
“Hồ sơ yêu cầu kê khai mọi thứ về tài chính của gia đình, bố mẹ thu nhập ra sao. Harvard nhận thấy rằng gia đình Phú thuộc tầng lớp lao động không có khả năng chi trả khoảng 85.000 USD/năm ở Harvard. Vì vậy, họ hỗ trợ tài chính cho sinh viên có thu nhập thấp”, Phú chia sẻ.
Nói về bài luận ứng tuyển vào đại học Harvard, Phú cho biết, bài luận viết về hành trình từ Việt Nam đến Mỹ, những khó khăn mà gia đình cậu đã trải qua.
Qua Mỹ học tập và sinh sống cùng với gia đình từ năm 6 tuổi, Phú có cơ hội thử những thứ mới lạ và tiếp cận với phương pháp học hiện đại.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Phú cho hay cậu tập trung tiếp thu kiến thức nhiều nhấtở trường, hạn chế thời gian học ở nhà để tham gia cáchoạt động khác. Phú luôn tham gia các hoạt động cộng đồng của người Việt tại Omaha (Mỹ) như múa lân, ca hát, lao động công ích tại nhà thờ, làm người mẫu.
Không chỉ vậy, chàng trai 18 tuổi còn tự mở cho mình một cửa hàng mua bán và sửa chữa điện thoại di động với tên gọi “Phu’s Phone Emporium”.
Phú kể, một lần vô tình làm rơi điện thoại, cậu tự mày mò cách sửa trên mạngvà phát hiện ra niềm yêu thích với công việc này. Từ đó, Phú bắt đầu học cách sửa nhiều loại điện thoại khácnhau.
Doanh nghiệp nhỏ của Phú từng hai lần giành giải nhất trong một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh của học sinh toàn bang Nebraska. Đến nay, Phú đã có hơn 1.500 khách hàng và kiếm được khoảng 250.000 USD trong hai năm.
Với đam mê về kinh doanh và lập trình, Phú dự định sẽ theo học song song cả hai ngành.
“Kinh tế có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, còn lập trình là nền tảng để tạo ra những bước nhảy vượt bật”, Phú nói.
Tháng 8 tới, Anh Phú sẽ bắt đầu hành trình tại Đại học Harvard. Đây là một hành trình mới với nhiều điều tuyệt vời và thú vị phía trước, Phú sẽ cố gắng và nỗ lực để xứng đáng với niềm tin và sự hy sinh của bố mẹ.
Qua Mỹ hơn 10 năm nay, gia đình Phú mới có cơ hội trở về Việt Nam 3 lần. Tuy không giàu nhưng gia đình Phú vẫn luôn gửi tiền về Việt Nam ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Em rất nhớ Việt Nam và rất mong có cơ hội được trở về quê hương trong thời gian tới. Dù gia đình định định cư bên Mỹ nhưng vẫn luôn hướng về quê hương, mong những điều tốt đẹp nhất đến với Việt Nam. Em cũng rất mong sau này có thể đóng góp được gì đó cho nhân dân, quê hương Việt Nam”, Phú nói.
Nguyễn Kim Anh