(khoahocdoisong.vn) – Là một trong những người đầu tiên xây dựng bộ sách động vật chí, thực vật chí, sách đỏ, danh lục đỏ Việt Nam, ở tuổi 91, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh vẫn cần mẫn, miệt mài bỏ tiền túi đi vận động người dân bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường.
Bỏ tiền túi đi vinh danh cây di sản
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Ít ai nghĩ rằng ở tuổi 91, ông vẫn làm việc hăng say, miệt mài. Ngoài các công việc như tham gia biên soạn Luật Bảo vệ Môi trường mới được Quốc hội thông qua, tham gia vào hội đồng biên soạn nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật… ông vẫn viết bài nghiên cứu. “Vì dịch Covid-19 mà hoạt động vinh danh cây di sản bị ảnh hưởng. Nếu không, tôi đã lại lên đường đến mọi nơi có cây cổ thụ cần lưu giữ, vinh danh, vận động người dân bảo vệ cây”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, đến nay, ông cùng các nhà khoa học đã vinh danh được 5.500 cây di sản trên khắp cả nước. Các cây được vinh danh đều từ 200 – 2.000 năm tuổi, cá biệt có những cây đến 3.500 năm tuổi như cây đại ở Đông Anh (Hà Nội) hay cây táu cổ ở đền Cổ Miếu (Phú Thọ) có tuổi đời đến 2.200 năm tuổi. Kinh phí để vinh danh các cây di sản này đều do người dân đóng góp. Còn kinh phí đi lại của các nhà khoa học như GS.TSKH Đặng Huy Huynh là do mỗi người tự bỏ tiền túi đóng góp.
“Nhiều người cũng thắc mắc việc gì chúng tôi phải làm thế. Nhưng phải làm về bảo tồn sinh học mới hiểu niềm vui khi thấy một cái cây được bảo vệ. Phần thưởng lớn nhất cho tôi chính là việc người dân chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Tự bản thân họ thấy việc cần thiết phải bảo vệ, giống như thứ tài sản tích trữ lại dành cho đời con, đời cháu. Môi trường bị phá hủy thì các thế hệ con cháu sau này khó mà khắc phục”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm.
Cũng theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, cây di sản nhiều khi không chỉ là cái cây, nó còn là cột mốc chủ quyền. Quá trình nghiên cứu, thẩm định, vừa rồi ông và các nhà khoa học đã thống nhất vinh danh cây bàng vuông 300 năm tuổi, cây phong ba 300 năm tuổi và cây mù u 300 năm tuổi, đều sống ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Sự xuất hiện của những loại cây này từ cách đây 300 năm trên quần đảo Trường Sa là do ngư dân ra đó đánh bắt cá, đem theo cây trồng, lấy bóng mát để nghỉ ngơi. Tháng 4 vừa qua, 3 cây cổ thụ này được vinh danh cây di sản. Đây chính là cột mốc chủ quyền khó có thể chối cãi. Ngoài ra, ở Cao Bằng, ngay sát biên giới Trung Quốc cũng có cây sấu 600 năm tuổi. Đây cũng chính là một loại cột mốc chủ quyền tự nhiên khó có thể chối cãi.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trong một lần khảo sát cây di sản. |
Dấu ấn Đặng Huy Huỳnh trong Sách Đỏ Việt Nam
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh ra ở thôn Trước Hà, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ khi còn rất trẻ, ông đã tham gia thiếu sinh quân để phá tề, diệt ác, đóng góp sức mình bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, người lính Đặng Huy Huỳnh đã từng chiến đấu tại các chiến trường Liên khu 5, Chiến trường Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia. Và với ông, chính hành trình của dấu chân người lính này đã là một cơ duyên để đưa ông đến ngành sinh vật học, dành tình yêu cả cuộc đời mình cho những cánh rừng.
Hơn 60 năm qua, suốt những cánh rừng trên dải đất hình chữ S từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến mũi Cà Mau đã nhiều lần in dấu chân ông. Người lính từng đứng lặng đau xót trước những “cánh tay rừng” khẳng khiu, trơ trọi giơ lên kêu cứu năm nào, nay đã trở về hồi sinh lại màu xanh cho rừng.
Công trình đồ sộ Sách Đỏ Việt Nam. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh kể, công trình nghiên cứu có ý nghĩa lớn nhất trong suốt 60 năm cuộc đời làm khoa học của mình chính là Bộ Sách Đỏ Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có một đại công trình đồ sộ thống kê đầy đủ hệ động, thực vật và danh mục các loài bảo tồn. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có cuốn sách này.
Năm 1992, Sách Đỏ Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là một trong hơn 70 tác giả của bộ sách và cũng là thành viên hội đồng biên tập, là người chủ trì nhóm biên soạn phần nội dung về các loài thú. Năm 1992, Sách đỏ Việt Nam phần Động vật được xuất bản, đến năm 1996, cho ra mắt phần Thực vật. Đến giai đoạn 2000 – 2004, bộ sách này đã được tu chỉnh và soạn thảo lại cho phù hợp với các tiêu chuẩn mới của IUCN về tình trạng đe dọa của các loài trong tự nhiên nhưng chỉ ở dạng điện tử, không có bản in. Năm 2007, bộ Sách Đỏ Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xuất bản, cùng với đó là cuốn Danh lục Đỏ Việt Nam giới thiệu về các loài quý hiếm, loài có nguy cơ bị đe doạ ở nước ta.
Sách đỏ là tài liệu khoa học mang tính quốc gia, trong đó công bố các loài động thực vật bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài để tra cứu và nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học, sách đỏ còn tạo cơ sở khoa học cho các nhà làm chính sách, các nhà bảo tồn xây dựng các biện pháp, chủ trương bảo vệ, phục hồi đối với từng loài trong danh mục, đồng thời cũng là căn cứ đề xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tài nguyên sinh vật, việc xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây hại cho sự tồn tại, phát triển của các loài sinh vật cần được bảo vệ.
Vì lẽ đó, sách đỏ có tác dụng thúc đẩy công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên ở cấp quốc gia. Ngoài ra, nó mang ý nghĩa quốc tế, công bố cho thế giới biết Việt Nam hiện có những loài này và chúng đang bị đe dọa ra sao. Từ đó, họ sẽ nhận biết những loài nào của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa với riêng Việt Nam và sẽ hỗ trợ chúng ta về nhiều mặt, không chỉ là kinh phí, hỗ trợ tài liệu, mà còn là trao đổi thông tin giúp chúng ta bảo tồn tốt hơn.
Nhóm tác giả Sách Đỏ Việt Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010.
Đừng để trồng cây chỉ là phong trào
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh rút ra kết luận, để bảo tồn đa dạng sinh học, phải coi người dân là trung tâm, là chủ thể. Ông chủ tịch xã, ông trưởng thôn… không phải là chủ thể của di sản, mà để bảo tồn nó, phải để chính người dân có ý thức, có mong muốn gìn giữ. Trong quản lý và sử dụng rừng, đất rừng cũng vậy. Phải giao cho người dân, để họ có sinh kế lâu dài. “Khi tham gia các đoàn công tác bảo tồn công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Đăk Nông, tôi luôn bảo lưu ý kiến phải để người dân là chủ thể. Chính quyền chỉ lãnh đạo, chỉ đạo chung chung. Chỉ khi người dân có trách nhiệm với di sản thì mới có thể gìn giữ được”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho hay.
Về chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, ông rất đồng tình ủng hộ. Nhưng để thành công, người dân ở các địa phương cũng phải là chủ thể. Phong trào Tết trồng cây phát động mấy chục năm qua rất ít hiệu quả, bởi khâu chăm sóc cây sau khi trồng không được quan tâm. Phong trào chỉ rầm rộ thế, nhưng sau đó cây chết mặc cây. Nếu làm như vậy thì rất khó để phục hồi hệ sinh thái đang bị tác động nghiêm trọng hiện nay.
Ở tuổi 91, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh vẫn viết nhiều bài nghiên cứu bảo tồn da dạng sinh học. Ông bảo ông vẫn giữ thói quen đọc Báo KH&ĐS. Trước đây, ông cũng viết khá nhiều bài cộng tác với Báo, nhưng nay có tuổi rồi, chỉ đọc để biết thế hệ trẻ hiện nay làm khoa học thế nào. “Nhiều khi, mình cũng phải nghỉ cho thế hệ trẻ có chỗ để nghiên cứu, tiếp nối những gì mình đã đặt ra”.
GS.TSKH. ĐẶNG HUY HUỲNH ĐƯỢC TRAO TẶNG NHIỀU PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC. ÔNG ĐƯỢC PHONG HÀM GIÁO SƯ (1991); ĐƯỢC TẶNG HUÂN CHƯƠNG CHỐNG MỸ HẠNG HAI (1983); HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT (1997); GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TẬP ATLAS QUỐC GIA (2005), GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘNG VẬT CHÍ, THỰC VẬT CHÍ, SÁCH ĐỎ VIỆT NAM (2010); HUY HIỆU 60 NĂM TUỔI ĐẢNG (2010) CÙNG NHIỀU HUÂN, HUY CHƯƠNG VÀ GIẢI THƯỞNG KHÁC. ÔNG THÔNG THẠO 4 NGOẠI NGỮ: NGA, ANH, PHÁP, LÀO. ÔNG CÓ 165 CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ TRÊN CÁC TẠP CHÍ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC; XUẤT BẢN 15 SÁCH CHUYÊN KHẢO VỀ ĐỘNG VẬT HỌC, TÀI NGUYÊN ĐỘNG VẬT…
TÔ HỘI