VietnamNet – Một nhà phân tích tại công ty phân tích thị trường Moody’s Analytics (Mỹ) cho biết, ngày càng có nhiều quốc gia đang thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn của riêng họ vì vấn đề an ninh quốc gia.
Chip bán dẫn là thành phần rất quan trọng để tạo ra nhiều loại sản phẩm. Chúng được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy chơi game như PlayStation 5, thiết bị gia dụng như tủ lạnh và máy giặt, đồng hồ báo thức và thậm chí cả ô tô. Chúng cũng được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu, nơi chứa rất nhiều các máy chủ.
Trao đổi với CNBC ngày 2/8, Timothy Uy, Phó Giám đốc công ty Moody’s Analytics cho rằng: “Nhu cầu về nguồn cung chip bán dẫn ngày càng lớn. Về cả phía cung và cầu, tôi cho rằng các công ty đang điều chỉnh. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng đang vào cuộc vì họ coi đây là vấn đề an ninh quốc gia, theo một nghĩa nào đó”.
Chip bán dẫn có mặt ở khắp mọi nơi, nếu không có chúng, rất nhiều sản phẩm sẽ không hoạt động. Điều này đã được chứng minh bởi ngành công nghiệp ô tô, nơi các nhà sản xuất ô tô buộc phải ngừng sản xuất do tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu.
Một số báo cáo cho biết tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến năm 2023.
Tại sao lại thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu?
Theo đánh giá của ông Timothy Uy thì việc sản xuất chip bán dẫn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và mất rất nhiều thời gian sản xuất cũng như phân phối chúng.
Ông giải thích rằng, nguồn cung mới không thể được tạo ra ngay lập tức và đôi khi, có thể mất nhiều năm để có nguồn cung mới vì các nhà máy cần được xây dựng và trang bị công nghệ thích hợp.
Quy trình sản xuất mỗi thế hệ chip bán dẫn là khác nhau. Các chip mới hơn có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn, điều này mang lại cho các nhà sản xuất lớn nhiều động lực hơn để đầu tư vào sản xuất của họ thay vì chuyển hướng nguồn lực để tăng công suất cho các chip thế hệ cũ. Đó là một phần lý do tại sao ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn, ông Timothy Uy cho biết thêm.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết đầu tư và đang theo đuổi các chính sách để tăng năng lực sản xuất chip |
Trong thực tế, ngành công nghiệp ô tô cần những con chip lạc hậu hơn so với điện thoại thông minh và các thiết bị khác.
Tuy nhiên, ông Timothy Uy cũng cho rằng, sẽ có rất nhiều nguồn cung mới ra đời khi các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới như TSMC, UMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc đang đầu tư vốn để xây dựng các nhà máy sản xuất mới.
Các quốc gia đang làm gì để thúc đẩy nguồn cung chip bán dẫn?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết đầu tư và đang theo đuổi các chính sách để tăng năng lực sản xuất chip cũng như tạo ra các chuỗi cung ứng nội địa nhằm vượt qua tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang diễn ra.
Ví dụ, Hàn Quốc đã công bố một chương trình trị giá khoảng 450 tỷ USD cho đến năm 2030 bao gồm các khoản đầu tư của doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã thúc đẩy các chính sách về thuế để giúp cho các nhà sản xuất chip trong nước cạnh tranh hơn trên thị trường bán dẫn.
Trung Quốc đã thành lập các quỹ quốc gia trị giá hàng tỷ USD để đầu tư vào các nhà sản xuất chip trong nước nhằm bắt kịp các công ty như Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan.
Mỹ đã thông qua dự luật công nghệ và sản xuất bao gồm 52 tỷ USD để tài trợ cho các sáng kiến nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Liên minh châu Âu cũng chuẩn bị cam kết tài trợ một khoản tiền đáng kể để mở rộng sản xuất chất bán dẫn của EU.
Ông Timothy Uy cho biết, sự tham gia của chính phủ có thể giúp sân chơi bình đẳng và giảm bớt một số áp lực thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn đặc biệt là giá chip nhớ, vì chỉ có một số ít công ty toàn cầu thống trị chuỗi cung ứng này.
Một khi các chính phủ đưa ra chính sách trợ cấp và hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp nội địa nhỏ hơn tham gia vào việc sản xuất chip bán dẫn, điều đó về cơ bản sẽ làm tăng nguồn cung, và có thể lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung cho các nhà sản xuất ô tô, ông Timothy Uy nhận định.
Phan Văn Hòa (theo CNBC)