GDVN- Khi tất cả mọi việc đều “thật”, đều công khai, minh bạch thì sự giả dối muốn len lỏi vào xã hội cũng rất khó.
Chữ “thật” cần ở tất cả các ngành
Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu tại tất các quốc gia bởi sản phẩm của giáo dục là con người, là cốt lõi để giải quyết và phát triển tất cả các vấn đề xã hội, đất nước.
Trong quy luật của xã hội bao đời nay, con người được giáo dục tốt về tri thức, nhân phẩm thì xã hội tốt đẹp, phát triển. Ngược lại, giáo dục yếu kém thì sẽ khó có một đất nước phát triển được.
Đó cũng là lý do vì sao, tháng 5 vừa qua, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mục tiêu xuyên suốt của ngành giáo dục phải là “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII phân tích, chữ “thật” không chỉ là điều cần phải đạt được của riêng ngành giáo dục mà phải xây dựng được ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả công tác nhân sự.
Ai cũng biết để phát triển một quốc gia trở nên hùng mạnh thì bắt buộc phải dựa vào trụ cột chính là giáo dục. Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực của ngành giáo dục thì không thể đạt được mục tiêu ấy mà cần có sự tham gia đồng thời của tất cả các ngành.
Ông Thuyền phân tích: “Chúng ta đều biết mọi việc do cán bộ mà ra cả. Cán bộ có trình độ, có tâm với sự nghiệp phát triển đất nước thì họ sẽ nghĩ ra những việc cần thiết có lợi cho nhân dân, cho đất nước và tuyển dụng người thực tài. Ngược lại nếu cán bộ dốt, tâm địa xấu xa thì chẳng những không làm được tốt mà còn gây ra nhiều chuyện khác. Lãnh đạo yếu kém, làm ăn chộp giật cũng sẽ chọn thuộc cấp theo kiểu ấy và cứ như thế những điều xấu lan dần ra.
Suy cho cùng thì các vị trí lãnh đạo phải làm gương trước, phải chọn được người xứng đáng. Người đứng đầu mà chỉ tìm cách lo cho thân mình, lo cho nhóm lợi ích riêng thì sẽ mang lại nhiều hệ lụy”.
Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh quochoi.vn) |
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, con người là chủ thể tạo nên giá trị cốt lõi của đất nước và văn hóa chính là điều làm nên sức mạnh của mọi dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, sự vận động của nền kinh tế thị trường đã khiến con người có những thay đổi về nhận thức, về văn hóa ứng xử và cách làm việc.
“Có lẽ chưa khi nào chữ “thật” lại được đặt ra trong cuộc sống của chúng ta nhiều như hiện nay. Chúng ta sống với nhau nghi ngờ từ cọng rau mua ngoài chợ cho đến tấm bằng đại học, cái mà vốn được xem sức mạnh tương lai của cả dân tộc.
Tôi lấy ví dụ như đối với lĩnh vực giáo dục, là nơi “ươm trồng” tương lai của đất nước, dạy con người ta làm người tốt trước khi trở thành người tài thì vẫn đang chạy đua thành tích, đạt điểm cao, kết quả tốt, được dạy học là để sau này kiếm được nhiều tiền, rạng danh gia tộc, bố mẹ nở mày, nở mặt”, ông Thuyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Thuyền kể, ông đã được nghe và biết rất nhiều câu chuyện không “thật” về giáo dục. Kể cả có những câu chuyện giáo viên nước ngoài nhận xét về học sinh Việt Nam ngay trong quá trình học tập và thi cử. Có người còn tham gia một buổi kiểm tra tại một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội. Tại đó, các sinh viên còn rất trẻ, người nào cũng lanh lợi, thế nhưng khi làm bài kiểm tra thì vi phạm nhiều về quy chế thi cử. Không được kể những điều này, đặc biệt là từ người nước ngoài khiến ông không khỏi buồn.
Điều đó cho thấy, ngay trong lĩnh vực giáo dục, cái nôi để hình thành và phát triển nhân cách con người chúng ta đã có những biểu hiện của sự dối trá, vụ lợi.
“Những con người mà ngay cả gốc giáo dục nhân phẩm, ứng xử không ‘thật’ thì không thể trở thành nhân sự tốt trong đội ngũ cán bộ nhà nước, không thể là những người đáng để nhân dân có thể tin tưởng gửi gắm, giao phó trách nhiệm và phát triển đất nước.
Nhân sự yếu, không cố gắng học hỏi, nhân phẩm kém, đạo đức tồi khi đảm nhiệm vị trí nào đó sẽ trở thành quan tham, chạy chức chạy quyền, dùng tiền để có địa vị sau đó lại tận lực vơ vét của cải của nhân dân để ‘bù lỗ’.
Chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều trường hợp phải ‘cố’ bằng được mọi giá để nhồi nhét con em, người nhà vào các vị trí cán bộ không phải để lo cho người dân mà để kiếm thật nhiều tiền, để làm rạng danh dòng họ.
Trước đây, giáo dục con người luôn lấy kim chỉ nam là cái thiện để ứng xử trong văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, ngày nay, mọi người luôn nghĩ đến bản thân trước khi nghĩ đến đại cục. Như vậy, nếu muốn có một đội ngũ cán bộ tốt, cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển đất nước thì chữ ‘thật’ phải ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là giáo dục con người”, ông Thuyền cho hay.
Xóa bỏ chữ “chạy” thì sẽ có nhân tài
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, công tác tuyển chọn và đào tạo, sử dụng cán bộ đều có quy trình rất đầy đủ, nhưng phải nói thẳng rằng vẫn có lỗ hổng, cần được truy xét và bịt kín. Chỉ khi nào coi trọng thực tài mà không dựa vào bằng cấp thì khi ấy sẽ tuyển chọn được những người có năng lực thực sự, những người có thực tài sẽ xuất hiện.
Nếu chọn cán bộ mà không coi trọng thực lực, chỉ vì bè cánh, rồi xem trọng lợi ích để chạy cho lọt vào chức vụ thì người giỏi sẽ bị cô lập, thậm chí bị vùi dập và chuyện chảy máu chất xám sẽ còn tiếp tục xảy ra. Đây cũng là vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đề cập gần đây.
Ông Thuyền cho rằng: “Chúng ta phải ‘thật’ từ những người thầy, những người lãnh đạo. Như vậy mới có thể làm gương cho học trò, cho cấp dưới của mình noi theo. Khi tất cả mọi việc đều ‘thật’, đều công khai, minh bạch, rõ ràng thì sự giả dối muốn len lỏi vào xã hội cũng rất khó”.
Trong giáo dục thì chữ “thật” phải được đặt lên làm đầu. Bởi đây là quốc sách, sản phẩm là trí tuệ, là con người. Nếu con người không “thật” thì không thể xây dựng, phát triển được cái gì “thật” và bền vững.
“Ngay cả việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay chúng ta cũng chưa có kiểm chứng, liệu kê khai đó đúng hay không? Vì thế, không chỉ quan mà cả dân, toàn bộ xã hội nên chi tiêu bằng tài khoản, phải có những quy định tài khoản có bao nhiêu tiền thì phải chứng minh ở đâu mà có. Nếu không chứng minh được thì xung công quỹ nhà nước.
Trên thực tế, nhiều người làm quan chuyển tiền cho bố mẹ, con cái thành niên, người thân quản lý tài sản. Do đó, việc quản lý toàn xã hội là điều vô cùng cần thiết.
Không chỉ cán bộ nhà nước mà những doanh nghiệp tư nhân cũng phải chứng minh. Chứ không có câu chuyện doanh nghiệp kinh doanh thì toàn báo lỗ mà ông chủ thì tiền vẫn tăng. Vậy tiền đó ở đâu ra? Là kinh doanh trái ngành, trốn thuế, buôn lậu…?
Chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ thông qua tài khoản toàn xã hội thì mới không thất thoát tiền của của nhân dân, của đất nước vào những việc làm sai trái, vi phạm”, ông Thuyền bày tỏ.
Theo ông Thuyền, một trong những giải pháp để giảm tham nhũng, thì thu nhập của cán bộ công chức, viên chức cũng phải đủ trang trải cho cuộc sống. Họ phải nuôi được con cái, bố mẹ, đảm bảo cuộc sống tối thiểu, thậm chí nhỉnh hơn so với xã hội thì họ mới yên tâm với công việc, cống hiến và phụng sự nhân dân. Khi đã được đảm bảo cuộc sống thì cán bộ không dám tham nhũng, không cần tham nhũng.
“Chúng ta phải xây dựng được lòng tin của nhân dân. Đây mới là nền tảng để phát triển được đất nước. Khi mất niềm tin thì người dân đi đâu cũng phải ‘chạy’ và dần dần hình thành văn hóa ứng xử ‘chạy’ trong đời sống xã hội.
Chúng ta vào trường ‘chạy’ trường, vào lớp ‘chạy’ lớp, ra trường ‘chạy’ việc, làm việc ‘chạy’ chức, vào tù ‘chạy’ tội, có tội ‘chạy’ thành không… Bởi vì mất niềm tin vào sự công bằng, vào chữ ‘thật’ trong mọi vấn đề nên mới tồn tại chữ ‘chạy’ trong xã hội. Mà cái này phải bỏ đi, phải bỏ bằng được thì mới có thể xây dựng được lòng tin ở người dân, xã hội tốt và như thế đất nước mới phát triển”.
Cao Kim Anh