Phiên khai mạc Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021).
NDĐT – Định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực an toàn không gian mạng là “An toàn không gian mạng cho tất cả, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.
Ngày 27/10, Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021) được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã chính thức khai mạc và diễn ra đến hết ngày 28/10.
Với chủ đề “Bảo đảm an toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải”, sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro về an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Sự kiện thu hút gần 1.000 đại biểu cấp cao phụ trách an toàn thông tin mạng, bảo mật, công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ và khối doanh nghiệp trong các lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ và thương mại điện tử, vận tải, logistics, năng lượng…
Vietnam Security Summit 2021 nhằm đem tới cho khách tham dự một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng An toàn thông tin tại Việt Nam. Sự kiện do Cục An toàn thông tin và IEC Group phối hợp tổ chức và dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phổ cập an toàn thông tin mạng cho người dân
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Hội thảo và Triển lãm quốc tế an toàn không gian mạng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, một phương thức của trạng thái bình thường mới. “Tôi hy vọng rồi mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân cũng sẽ có nhận thức, phương thức thay đổi phù hợp để ứng phó với những thách thức của không gian mạng trong tương lai”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam hiện xếp hạng 25 toàn cầu về chỉ số an toàn thông tin mạng. Đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Trong 2 năm gần đây, Việt Nam chuyển dần các hoạt động của mình lên không gian mạng nhiều hơn. Mỗi ngày 1 người Việt Nam trực tuyến trên mạng internet khoảng gần 7 tiếng. Thời lượng này sẽ tiếp tục tăng lên và đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn.
“An toàn thông tin mạng giờ đây là câu chuyện của mọi người, và trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai chiến dịch phổ cập an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Mỗi người dân có một “Hiệp sĩ” bảo vệ an toàn mạng
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết quan điểm, định hướng, mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng tới là tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn thông tin mạng.
Ông Phúc cho biết, vào năm 2025, dự báo rằng mỗi giây sẽ có 3.000 cuộc tấn công mạng và 12 mã độc mới, tăng tương ứng 3 lần và 2,4 lần so với năm 2020. Số lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện mỗi ngày vào 2025 là khoảng 70, tăng 1,75 lần so với năm 2020.
Lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI) là 2 công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực an toàn thông tin mạng giai đoạn đến năm 2025, thể hiện ở việc nhiều ứng dụng mật mã phi đối xứng có thể bị phá vỡ trong những năm tới; và AI sẽ dần thay thế con người trong lĩnh vực an toàn không gian mạng, đạt khoảng 38,2 tỷ USD vào năm 2026, tăng 23,2%/năm.
Theo đó, định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực an toàn không gian mạng là “An toàn không gian mạng cho tất cả, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.
Với định hướng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 8 mục tiêu cần đạt được thời gian tới gồm: Duy trì thứ hạng 25, hướng tới thứ hạng 20 về chỉ số GCI; Mỗi người dân có một “Hiệp sĩ” bảo vệ; Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ; 100% bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp; bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin 11 lĩnh vực quan trọng; 100% người sử dụng được tiếp cận nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin; tỷ lệ thông tin tiêu cực duy trì dưới 10%; và 100% nền tảng số tuân thủ quy định pháp luật.
Trong khuôn khổ của Phiên Báo cáo chính cũng diễn ra lễ Khai trương Ứng dụng an toàn không gian mạng trên nền tảng di động cho người dân và lễ Công bố xếp hạng mức độ an toàn thông tin mạng của các Bộ, ngành địa phương năm 2020.
Việc khai trương ứng dụng an toàn không gian mạng trên nền tảng di động dành cho người dân Visafe tại sự kiện Vietnam Security Summit 2021 là hoạt động tiếp theo của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các doanh nghiệp nhằm từng bước tạo dựng niềm tin số cho người dùng khi hoạt động trên không gian mạng.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ngoài việc khai trương ứng dụng Visafe, Cục An toàn thông tin còn công bố xếp hạng mức độ An toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương năm 2020.
Nối tiếp phiên báo cáo chính, trong khuôn khổ Vietnam Security Summit 2021 còn có 3 phiên hội thảo chuyên đề: “Bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu trong thế giới số”, “Xu hướng và giải pháp An toàn thông tin mạng cho điện toán đám mây” và “An toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.
Một điểm nhấn nữa của Vietnam Security Summit năm nay là Triển lãm ảo về an toàn không gian mạng diễn ra trong cả 2 ngày của sự kiện, với sự tham gia của hơn 20 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới.
PHẠM TRUNG