GDVN- Mỗi người đi học phải rèn luyện cho mình có đủ 4 năng lực: “Lắng nghe, đón nhận, quan sát, suy ngẫm”.
Ông cha ta nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là người giúp ta biết được “một chữ”, hay chỉ “nửa chữ” cũng là thầy ta.
Vì thế trong xã hội, ngoài bạn bè và bất cứ ai giúp ta “một chữ” hay “nửa chữ” chúng ta lấy đó là điều quý giá và phải tri ân. Và hiểu rộng ra trong mỗi trang sách các con đọc được mà khai mở cho các con trí tuệ, bồi dưỡng các con lẽ sống làm người cũng chính là những người thầy vĩ đại của chúng ta.
Vào ngày tri ân các nhà giáo, thầy giáo già đã có gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội gửi tâm sự tới học trò của mình với một bí mật cần được khai mở.
“Có một người thầy rất vĩ đại chúng ta phải biết tri ân, các trò có biết là ai không? Chính là bản thân các trò đó. Mỗi người phải là người thầy vĩ đại của chính mình. Tại sao thầy nói với các trò điều này?
Lịch sử loài người đã từng tôn vinh nhiều người thầy vĩ đại của các dân tộc trên thế giới; Việt Nam chúng ta có Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng người thầy vĩ đại mà thầy muốn nhắc đến các trò hôm nay, Chính là Đức Phật Thích Ca Mâu ni, người sáng lập ra Đạo phật để dẫn dắt nhân loại vượt qua mọi khổ đau, tự giác ngộ thay đổi mình để đến bến bờ hạnh phúc đã từ 2600 năm nay. Và như nhà bác học Einstein nói “Nếu có một tôn giáo nào gần gũi với khoa học nhất, chính là Đạo phật” và UNESCO đã lấy ngày Phật Đản (15 tháng tư âm lịch) hàng năm là ngày tôn vinh văn hóa tôn giáo nhân loại.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm muốn các trò ghi nhớ hai lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu ni với học trò của mình:
Đó là mỗi người đi học phải rèn luyện cho mình có đủ 4 năng lực: “Lắng nghe, đón nhận, quan sát, suy ngẫm” và trước khi nhập Niết bàn Đức phật còn dạy các trò “Hãy dựa vào bản thân mình, như là ngọn đèn sáng cho chính mình. Hãy dựa vào sức lực bản thân mình là chính; Hãy dựa vững vàng vào chân lý mà mình đã trải nghiệm trong cuộc sống của bản thân. Đừng có tìm dựa vào một chỗ nào khác ngoài bản thân mình”.
Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh, không có phương pháp giáo dục nào thành công hơn phương pháp mỗi người hãy tự giáo dục mình một cách thường xuyên. Biết tự giáo dục mình tức là biết tự lãnh đạo mình. Biết tự giáo dục mình tức là biết tự lãnh đạo. Phải biết tự lãnh đạo mình trước khi lãnh đạo người khác. Nếu biết tự chiến thắng những trở ngại trong chính bản thân mình thì có thể chiến thắng bất cứ trở lực nào trên con đường đi đến thành công của chính mình.
Thầy muốn nhắc các trò hiểu chân lý Phật dạy mà khoa học hiện đại đã chứng minh để các trò biết vai trò của việc mỗi người hãy trở thành người thầy vĩ đại của chính mình. Có vậy chúng ta mới đáp ứng được sứ mệnh và thách thức của giáo dục thế kỷ 21 là “Thách thức lớn nhất của giáo dục là làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể dẫn dắt cuộc sống của chính mình thay vì người khác dẫn dắt. Đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục… nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra những quyết định cho chính mình”, nhà tâm lý học Stephen Covey đã nói.
Vì thế, thầy Nguyễn Tùng Lâm mong mỗi trò Đinh Tiên Hoàng hãy thử nghiệm làm người thầy của chính mình để tự dẫn dắt, tự đưa ra những quyết định của đời mình. Đây chính là yêu cầu của tất cả mỗi người học thế kỷ 21 này. Thầy mong các trò hãy nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt phong cách “5 tự” của học sinh Đinh Tiên Hoàng: Biết tự học sáng tạo; biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm về mỗi việc làm của chính mình. Đây là cách để mỗi trò trở thành người thầy vĩ đại của chính mình. Mỗi ngày đến trường thật sự là một niềm vui được trưởng thành, được phát triển chứ không phải là những điều ép buộc của thầy cô, của cha mẹ.
Nói về người thầy vĩ đại, nhà văn Mỹ William Arthur Ward đã nói:
“Người thầy bình thường sẽ chỉ nói. Người thầy giỏi sẽ giải thích. Một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói, còn người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng”.
Thùy Linh