KH-ĐS – Thay vì phải dùng nhiều loại giấy tờ cá nhân, từ nay người dân chỉ cần dùng căn cước công dân (CCCD) để thực hiện nhiều khai báo, giao dịch,… trong cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip để phục vụ 5 nhóm tiện ích:
– Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;
– Phục vụ công dân số;
– Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;
– Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Như vậy, thẻ CCCD và ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) sẽ dần thay thế các giấy tờ cá nhân bằng việc tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, y tế, giáo dục, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…
Ngoài ra, đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2022 – 2023 sẽ hướng tới tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi (ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước…) lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ CCCD gắn chip.
Theo đó, Bộ Công an và Bộ GTVT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp, triển khai,… hướng dẫn người dân thực hiện.
Năm 2020, Thủ tướng phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD với tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng.
Hiện tại đã có 98 triệu nhân khẩu trong dữ liệu dân cư quốc gia; thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD, trong đó đã thực hiện in và trả hơn 52 triệu CCCD gắn chip cho người dân.
THIÊN ÂN