Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ hiệu quả các địa phương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, góp phần khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19 gây ra tại các địa phương.
Việc thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương trong năm qua đã cho thấy các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung và từng ngành, địa phương.
Nhiều chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được ký kết
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: Năm 2021, Bộ đã tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Bộ đã tổ chức 17 cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…; ký kết và triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với Hà Nam, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Phúc để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và ứng phó với biến đổi khí hậu như: xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở, phòng chống dịch bệnh trong nông nghiệp… Điển hình như: Nghiên cứu giải pháp nâng cao sự ổn định và hiệu quả bảo vệ bờ của đê, kè biển mái nghiêng tỉnh Thanh Hóa; Xây dựng mô hình xã an toàn với nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các khu vực miền núi Bắc Trung Bộ; Nghiên cứu các giải pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa tại Bến Tre và vùng phụ cận; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại Bình Định và vùng phụ cận; Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra thâm canh tại Đồng Tháp… khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong việc góp phần tái cơ cấu và đóng góp rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực của địa phương như: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải, y tế…
Các chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được ký kết với các địa phương nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ ở địa phương, phát triển tài sản trí tuệ gắn với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng phát triển phù hợp với thị trường, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ tăng cường phối hợp với địa phương trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Năm 2021, Bộ đã triển khai, phê duyệt mới và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi, hỗ trợ trên 25 tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành, lĩnh vực chủ lực và mũi nhọn của địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, Hà Nội, Bình Dương…; hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ cấp thiết có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa phương. Đồng thời, tổ chức trên 320 cuộc kết nối cung cầu trực tuyến với các địa phương với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Israel, Đức… trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, năng lượng, môi trường. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Triển khai chương trình phối hợp công tác với các địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược Sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, hỗ trợ việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng. Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản địa phương của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, từng bước hướng tới thị trường châu Âu, EU. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với địa phương hỗ trợ thủ tục xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực địa phương
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của địa phương, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ địa phương, tại hội nghị Giám đốc sở khoa học và công nghệ năm 2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là trong bổi cảnh dịch COVID-19 đang tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, các sở khoa học và công nghệ cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tiếp cận các thành tựu, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; chủ động tiếp cận các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực…
Đồng thời, chủ động tham mưu xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển khoa học và công nghệ bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện từng địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, hiệu quả, có tính đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng đến sản phẩm chủ lực địa phương, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đặc thù phù hợp với hoạt động nghiên cứu của địa phương nhằm thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Các địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực địa phương; nghiên cứu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo liên vùng nhằm tập hợp tiềm lực của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội mang tính liên vùng, phát triển những sản phẩm chủ lực của vùng…
Bài cuối : Tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
HL (TTXVN)