GDVN- Hội đồng chức danh giáo sư xem công bố trên các tập san “quốc tế” có điểm tương đương nhau là vô lí.
Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt.
Nhận thức được kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm và động cơ đằng sau của những người công bố trên tập san dỏm, tôi nghĩ các đại học Việt Nam và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (sẽ viết tắt là “Hội đồng”) cần phải có những thay đổi về qui định liên quan đến công bố khoa học. Tôi nghĩ đến những thay đổi dưới đây:
Thứ nhất, xác định tập san chính thống
Vấn đề hiện nay là sự lẫn lộn giữa tập san dỏm và tập san chính thống. Sau vụ lùm xùm xét duyệt chức danh giáo sư năm 2020, Hội đồng ngành y đã quyết định lấy các tập san trong danh mục Web of Science (WoS), Scopus, Pubmed và ESCI (Emerging Scources Citation Index) là “tập san uy tín”. Các ứng viên có bài trên các tập san trong các danh mục này sẽ được xét công nhận chức danh giáo sư.
Tôi cho rằng quyết định đó có thể dẫn đến sai lầm trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư. Vấn đề là các danh mục như Scopus, Pubmed và ESCI đều có những tập san dỏm. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy số tập san dỏm trong danh mục Scopus và Pubmed lên đến hàng trăm, và ESCI cũng có hàng chục tập san dỏm.
Thật ra, có ước tính cho rằng tỉ lệ tập san dỏm trong danh mục ESCI là 0.61%, Scopus là 0.25%, nhưng WoS thì thấp nhất (0.1%). Chỉ riêng ngành thần kinh học, có hơn 10% các tập san trong chuyên ngành này trong Pubmed được giới chuyên gia đánh giá là dỏm. Do đó, dựa vào các danh mục này một cách vô điều kiện là dễ dẫn đến sai lầm.
Tôi đề nghị một cách phân loại tập san chính thống và “phi chính thống”. Tập san chính thống là những tập san: Do các hiệp hội khoa học chính thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc/và do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press,…) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học.
Cách phân nhóm như thế đã tự động loại bỏ các tập san dỏm. Cũng không cần có trong Scopus hay WoS như là một tiêu chuẩn. Một tập san mới thuộc một hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay Clarivate, nhưng là tập san chính thống. Ví dụ như Journal of Endocrine Society, Osteoporosis and Sarcopenia, JBMR Plus,… tuy chưa có trong danh mục Clariavate hay Scopus, nhưng người trong chuyên ngành ai cũng biết là tập san chính thống. Người ngoài ngành có thể không biết và không am hiểu đủ để đánh giá các tập san này.
Thứ hai, xem xét đến uy tín của tập san khoa học
Trên thế giới, có hơn 50.000 tập san khoa học tạm xem là chính thống, và các tập san này nằm trong 2 danh mục chính là WoS (28560 tập san) và Scopus (37535 tập san). Nhìn chung, danh mục WoS chọn lọc hơn là Scopus, vì Scopus có xu hướng thu nhập những tập san có phẩm chất thấp và cả tập san dỏm.
Điều đó có nghĩa là các tập san khoa học không có uy tín như nhau. Chẳng hạn một tập san chuyên khoa nội tiết (Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism) và tập san New England Journal of Medicine, tuy thuộc nhóm Q1 nhưng uy tín và chất lượng khoa học thì rất khác nhau. Tập san Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism có tỉ lệ từ chối khoảng 20%, nhưng New England Journal of Medicine có tỉ lệ từ chối lên đến 90%. Do đó, cũng là công bố trên “tập san quốc tế”, nhưng không thể xem giá trị khoa học của bài báo như nhau.
Vấn đề hiện nay là Hội đồng chức danh giáo sư xem công bố trên các tập san “quốc tế” có điểm tương đương nhau! Thậm chí một bài báo trên một chuyên san trong nước (ví dụ như Tạp chí Y học Thực hành) lại có điểm y chang như một bài báo trên New England Journal of Medicine và Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism! Theo tôi đó là một sự vô lí.
Sự vô lí này không chỉ làm sai lệch cách đánh giá ứng viên cho chức danh giáo sư, mà còn vô hình chung khuyến khích làm nghiên cứu có chất lượng thấp. Người ta sẽ nghĩ cần gì phải gian khổ làm nghiên cứu đẳng cấp New England Journal of Medicine, chỉ cần làm nghiên cứu phù hợp với tập san trong nước là cũng có đủ điểm.
Tôi đề nghị tạm thời lấy hệ số ảnh hưởng (impact factor) và chỉ số H để xếp hạng tập san cho mỗi chuyên ngành. Dù biết rằng hệ số ảnh hưởng có khiếm khuyết (thậm chí bị phản đối), nhưng trong thực tế hầu hết các đại học và hội đồng đề bạt chức vụ khoa bảng đều lấy hệ số ảnh hưởng làm thước đo để đánh giá uy tín của một tập san. Ứng viên có bài trên các tập san hàng đầu trong mỗi chuyên ngành phải được đánh giá cao và ưu tiên hơn ứng viên công bố nhiều bài trên các tập san “làng nhàng”.
Thứ ba, phải phân biệt thể loại bài báo khoa học
Một vấn đề khác nữa là khái niệm “bài báo khoa học“. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng qui định không nói bài báo đó là gì. Theo tôi, đó là một thiếu sót nghiêm trọng. Trong thực tế, có nhiều loại bài báo khoa học và giá trị của các bài báo cũng không tương đương nhau:
– Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, có giả thuyết, có phương pháp phân tích, và dữ liệu là dữ liệu gốc lần đầu được công bố;
– Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo khoa học nguyên gốc, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;
– Bài tổng quan (review), tức là một dạng “đọc báo giùm bạn”, điểm qua y văn từ những bài đã công bố trước đây. Đây không phải là nghiên cứu đúng nghĩa;
– Bình luận, tức những “Letter to the Editor”, “Commentary”, “Debate”, “Editorial”. Đây là những ý kiến cá nhân, cũng không thể xem là nghiên cứu.
Hiện nay, bài báo loại nào cũng được xem là “công bố quốc tế” và có giá trị như nhau! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Đó là một sự vô lí vì trung bình hoá khoa học.
Tôi đề nghị để xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, chỉ nên dựa vào bài nguyên gốc. Các bài báo khác (case report, tổng quan, ý kiến) không được tính, nhưng có thể dùng để đánh giá vị thế của ứng viên trong chuyên ngành.
Thứ tư, xem xét đến vai trò của tác giả trong bài báo khoa học
Ngày nay, nghiên cứu khoa học là một môi trường hợp tác đa ngành do đó mỗi bài báo có nhiều tác giả. Tính trung bình một bài báo y khoa có khoảng 5-7 tác giả. Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp tập đoàn khoa học mà bài báo có hơn 1000 tác giả! Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao đánh giá được đóng góp của tác giả ứng viên trong bài báo.
Hiện nay, cách làm của Hội đồng là … trung bình hoá. Chẳng hạn như một bài có 5 tác giả (kể cả ứng viên), thì điểm của ứng viên được xem là 1/5. Đó cũng là một sự vô lí. Trong “văn hoá” công bố khoa học ngành y sinh học, tác giả chính thường là tác giả liên lạc (correspondence authors). Tác giả liên lạc có thể đứng tên tác giả đầu, nhưng thường là người đứng tên tác giả cuối.
Đề bạt chức vụ khoa bảng là một hình thức ghi nhận đóng góp cho khoa học, nên tôi đề nghị hội đồng chỉ xem xét những bài ứng viên là tác giả chính, hoặc tác giả đầu, hoặc tác giả cuối. Một qui ước bất thành văn ở nước ngoài là ứng viên phải là tác giả chính, tác giả đầu, và tác giả cuối của ít nhất là 60% bài báo khoa học. Dĩ nhiên, các bài khác mà ứng viên là đồng tác giả vẫn được tính, nhưng đó không phải là những bài quyết định.
Thứ năm, hãy bỏ sự lệ thuộc vào con số bài báo
Hiện nay, qui định về số bài báo khoa học rất cứng nhắc và thấp. Chẳng hạn như qui định rằng “ứng viên phó giáo sư phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế, giáo sư phải có 3 bài báo quốc tế” là thấp và chưa rõ ràng. Nghiên cứu sinh ngày nay khi tốt nghiệp cũng có thể công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục WoS. Và, nếu nghiên cứu sinh qua giai đoạn hậu tiến sĩ 3 năm thì số bài báo khoa học tối thiểu là 6. Do đó, ứng viên giáo sư mà chỉ có 3 bài thì khó thuyết phục các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ.
Theo tôi, không nên qui định về số bài báo khoa học, vì số lượng không nói lên chất lượng. Ngoài ra, sự lệ thuộc này rất dễ bị lạm dụng bằng cách công bố những nghiên cứu nhỏ và không quan trọng. Tôi đề nghị dùng chỉ số H để đánh giá. Ứng viên có chỉ số H bằng 10 có nghĩa là ứng viên đó đã công bố 10 bài báo khoa học, với số lần trích dẫn tối thiểu là 10. Do đó, chỉ số H phản ảnh cả số lượng và chất lượng, chỉ số này được các hội đồng đề bạt chức danh giáo sư nước ngoài sử dụng rất phổ biến.
Trong trường hợp Việt Nam, có thể lấy số liệu về chỉ số H cho cấp phó giáo sư ngành y là 5, và cấp giáo sư là 15 làm điểm tham khảo tối thiểu. Cần nói thêm rằng ở Mĩ, ứng viên phó giáo sư y thường có chỉ số H trung bình là 10, và giáo sư là 22.
Tiến tới chuẩn quốc tế
Ở các các đại học phương Tây, mục tiêu của việc đề bạt (hay “công nhận”) giáo sư là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên đó: là học giả, là nhà nghiên cứu, là thành viên của cộng hoà học thuật, là người có thẩm quyền, và là người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những hình ảnh kia thì vẫn chưa thể là giáo sư.
Dựa trên nguyên lí đó, người ta đề ra 3 trụ cột về các tiêu chuẩn: nghiên cứu khoa học; giảng dạy và đào tạo; phục vụ cho chuyên ngành, xã hội, và tư cách lãnh đạo.
Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua quá trình nghiên cứu và công bố khoa học, phẩm chất khoa học, và tầm ảnh hưởng. Không phải có hàng chục bài trên Nature hay Science hay có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm giáo sư; người ta phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.
Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các course học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cứ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). “Giảng dạy” ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn sinh viên hậu đại học như nghiên cứu sinh, và hướng dẫn nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ.
Phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội, và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn về đóng góp cho chuyên ngành; đóng góp cho quốc gia nói chung và vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học. Lãnh đạo tri thức và khoa học (‘intellectual leadership’ và ‘scientific leadership’) rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận và bình luận được các tập san mời viết và thể hiện qua các giải thưởng, các fellowship danh giá, và chức danh danh dự từ các đại học khác.
Do đó, để đề bạt giáo sư theo chuẩn mực quốc tế, thì cần phải soạn lại qui chuẩn. Bộ tiêu chuẩn về công bố khoa học phải phản ảnh sự khác biệt và công bằng giữa 2 ngạch giáo sư chuyên về nghiên cứu khoa học và giáo sư chuyên về giảng dạy. Điều quan trọng là giáo sư không phải chỉ là người công bố khoa học hay giảng dạy, mà còn phải có đóng góp cho xã hội (qua phản biện xã hội) cho chuyên ngành.
Tóm lại, những qui định về công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư còn nhiều khiếm khuyết. Dựa vào các danh mục như Scopus và Pubmed hay ESCI một cách vô điều kiện dễ dẫn đến sai lầm về việc đánh giá và nhận dạng tập san dỏm. Ngay cả với tập san chính thống, việc đánh giá theo “chủ nghĩa trung bình” không chỉ vô lí mà còn gián tiếp khuyến khích nghiên cứu chất lượng thấp. Sự lệ thuộc vào số lượng bài báo làm lu mờ chất lượng là một khiếm khuyết dẫn đến sự bất công giữa các ứng viên.
5 đề nghị thay đổi trình bày trong bài này nhằm khắc phục những thiếu sót đó và giúp việc xét duyệt chức danh giáo sư gần hơn với tiêu chuẩn ở các nước tiên tiến.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn