VietnamNet – Việc tăng lương tối thiểu vùng có thể được thực hiện từ 1/7 tới. Việc tăng lương sẽ giúp người lao động bớt chút khó khăn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết tại Hội nghị triển khai các nội dung phối hợp thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới” chiều nay 8/5.
Tham dự hội nghị cùng Tổng Liên đoàn lao động có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Báo cáo với lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương về kết quả hoạt động công đoàn trong thời gian qua, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, các cấp công đoàn trong cả nước đã làm được nhiều việc lớn.
Trong đó đã tập trung chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên, người lao động, chăm lo đời sống công nhân, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín của Công đoàn Việt Nam.
Đã có trên 5.000 tỷ đồng được các cấp công đoàn chi từ nguồn tích luỹ công đoàn và phối hợp chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã kịp thời điều chỉnh, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động để vừa chăm lo Tết, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
Tổ chức triển khai hoạt động, tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, ra sức thi đua lao động sản xuất, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất…
Đặc biệt, vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động đã tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, các cán bộ công đoàn đã tham gia đàm phán, thể hiện được vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Qua đó đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, từ 1/7/2022 và được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chấp thuận.
Có thể việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ thực hiện từ 1/7 tới. Việc tăng lương sẽ giúp người lao động bớt một chút khó khăn, trong khi giá cả các mặt hàng tăng nhiều.
Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng đã vận động người lao động đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19. Trong đó, có Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do đơn vị phát động. Tính đến ngày 18/5, cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước đã có hơn 400.000 sáng kiến.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang cho rằng, việc triển khai Nghị quyết trong các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị còn chậm. Trong khi, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy tổ chức công đoàn Việt Nam đổi mới, phát triển toàn diện, góp phần củng cố, phát triển hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì rất cần sự vào cuộc triển khai quyết liệt, có hiệu quả của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là trong bối cảnh pháp luật cho phép ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động thời gian qua, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, đã chủ động xây dựng các chính sách kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.
“Trong dịch bệnh, công đoàn đã chứng minh sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động. Sau dịch bệnh, tổ chức Công đoàn đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích người lao động quay trở lại thị trường lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, công nhân lao động có việc làm, ổn định tình hình quan hệ lao động”, bà Bùi Thị Minh Hoài nói.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động cần tiếp tục tham mưu, sửa đổi chính sách liên quan đến Công đoàn như Luật công đoàn; tham gia giám sát, phản biện chính sách có liên quan đến người lao động trong quá trình sửa Luật tại Quốc hội sắp tới…
Đồng thời cần khẩn trương nghiên cứu, có cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan chặt chẽ hơn, giao ban định kỳ để cùng bàn các giải pháp tháo gỡ, sớm đưa Nghị quyết 02 đi vào cuộc sống sâu rộng và hiệu quả.
Vũ Điệp