QĐND – Ngày 27-5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.
Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam và Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12-6). Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội |
Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động trẻ em đó là: Hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương; nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai; dịch Covid-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy một số trẻ em phải tham gia lao động như một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.
Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản như: Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp; đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em…
HỒNG UYÊN