Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊ"Cú sốc" ngành y và bài học giáo sư từ chối làm...

“Cú sốc” ngành y và bài học giáo sư từ chối làm giám đốc bệnh viện

(Dân trí) – “Chúng ta thử hình dung, giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó…” – ông Long nói.

Sáng 13/6, tại Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công được các đại biểu nêu ra. 

Rủi ro khi bác sĩ làm quản lý

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế. Trong đó, phải giải quyết những điều, những quy định bất hợp lý mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam là mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công. 

Theo ông Long, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm giám đốc bệnh viện công, trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành quản trị hoạt động bệnh viện, dẫn đến những bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, làm cho chất lượng dịch vụ kém, hoạt động khám, chữa bệnh thiếu tính chuyên nghiệp.

Vị đại biểu nhấn mạnh, không phải cho đến bây giờ, khi hàng loạt lãnh đạo các bệnh viện sai phạm bị xử lý hình sự thì mới thấy, mà sự bất cập trong hệ thống mô hình quản lý bệnh viện hiện nay đã xuất hiện từ lâu. Suốt từ năm 1945 đến nay, trong ngành y tế luôn có một hiện tượng là người giỏi về chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo thì luôn phải có sự lựa chọn hoặc làm chuyên môn hay là làm quản lý. 

“Chúng ta còn nhớ câu chuyện của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ông là người được giữ trách nhiệm cao lãnh đạo ngành y tế nhưng cuối cùng đã xin thôi chức vụ lãnh đạo để chuyên tâm cho hoạt động khoa học và nếu như ông làm quản lý thì chắc chắn thế kỷ 20 thế giới đã không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng. Câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn còn tiếp tục và mới đây chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện một giáo sư, bác sĩ đã từ chối chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị để chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học” – ông Long dẫn chứng về các trường hợp cụ thể. 

Cú sốc ngành y và bài học giáo sư từ chối làm giám đốc bệnh viện - 1
Đại biểu Nguyễn Công Long (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo vị đại biểu, đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực nhiệm vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành được cả 2. 

“Chúng ta thử hình dung, giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó thì có vô số những lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn” – ông Long nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết, đã từ lâu ngành y tế thấy rõ những bất hợp lý. Nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. 

Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và các giám đốc điều hành và dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà chuyên môn bằng các nhà quản lý kinh nghiệm. CEO không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành nhằm tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng bệnh viện, bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ, đó là chăm sóc và chữa bệnh. 

Tuy nhiên, ông Long cho biết, theo đánh giá chung của ngành y tế, quá trình thực hiện các mô hình nói trên vấp vào 2 rào cản chính, đó là nhận thức và thể chế.

“Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ án thì ngành y tế cũng đã rất nỗ lực trong khâu nhân lực. Chúng ta cũng thấy câu chuyện là một cán bộ của ngành kiểm toán được điều động sang làm Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; thậm chí có những nơi bổ nhiệm 2 giám đốc cho một bệnh viện, một giám đốc điều hành chuyên môn, một giám đốc về tài chính. 

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể là các giải pháp tổng thể cho nguồn nhân lực quản lý của ngành y tế. Tất nhiên, chúng tôi cũng cho rằng việc chuyển đổi cả hệ thống y tế công theo mô hình đổi mới đòi hỏi bước đi phù hợp, thậm chí cần áp dụng thí điểm trước khi luật hóa” – ông Long nhấn mạnh. 

Phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an 

Cơ bản đồng thuận với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đặng Văn Lẫm (đoàn TPHCM) cho biết, dự thảo Luật quy định Hội đồng y khoa quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Việc tập trung thẩm quyền vào Hội đồng Y khoa quốc gia như vậy sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến công tác bảo đảm quân y trong quân đội quốc phòng. 

Cú sốc ngành y và bài học giáo sư từ chối làm giám đốc bệnh viện - 2
Đại biểu Đặng Văn Lẫm (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu nêu rõ, số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhà giàn, nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. 

“Cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, tổ chức chỉ huy quân y, y học quân, binh chủng, xử lý vết thương chiến tranh. Do đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội đồng y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo dự thảo luật là chưa phù hợp” – ông Lẫm phân tích.

Trong thực tiễn từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đến nay, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận hành nghề trên 21.000 hồ sơ cho bác sĩ, điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và các đối tượng khác, đồng thời cấp nhiều giấy phép hoạt động cho bệnh viện, phân viện, bệnh xá, phòng khám và các hình thức khác, ngoài ra còn cấp giấy chứng nhận hành nghề cho cán bộ, nhân viên quân y, bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đặc biệt là về tiến độ, thời gian.

Thêm vào đó, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật nhà nước.

Từ những lý do trên, đại biểu kiến nghị phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Quang Phong và Như Quỳnh

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments