(Chinhphu.vn) – Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững.
Để hiểu rõ về thực tế và định hướng phát triển du lịch xanh Thủ đô trong thời gian tới, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội.
Vị thế riêng của du lịch xanh Thủ đô
Theo bà, đâu là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cho du lịch xanh ở Thủ đô? Phải chăng đây là một trong những mũi nhọn cần phát huy trong chiến lược phát triển du lịch bền vững?
Bà Đặng Hương Giang: Với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững.
Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Từ khí hậu bốn mùa rõ rệt; nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào quanh năm, cho đến nhiều loại địa hình đa dạng bao gồm các đồng bằng trù phú ở nội đô Hà Nội, các cánh đồng lúa ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa… hay những dãy núi đồi uốn lượn ở khu vực Sóc Sơn, Ba Vì.
Thêm vào đó là các hệ thống cảnh quan sinh thái với Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam,… cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức,…; vành đai trồng hoa cây cảnh tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh… có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Song song với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên, Hà Nội còn sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc.Theo công bố của Sở Văn hóa và Thể thao, sau khi thực hiện kiểm kê di tích, đánh giá và phân loại từ năm 2013 – 2016, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa.
Về hệ thống nghề và làng nghề của Hà Nội cũng rất phong phú và đa dạng, Hà Nội hiện có 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã… đã được công nhận.
Tất cả những yếu tố kể trên đã góp phần giúp cho Hà Nội có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh trong những năm gần đây.
Hiện tại, du lịch xanh Thủ đô đang gặp phải những khó khăn gì cản trở sự phát triển, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Tôi cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, du lịch xanh Hà Nội hiện cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trước hết là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là tại các quận, huyện ven đô. Áp lực phát triển kinh tế quá nhanh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch như: Tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống của sinh vật.
Mặt khác, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất rừng, đất ao hồ, đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai với quy hoạch.
Cuối cùng, các doanh nghiệp du lịch hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau và cộng đồng làm du lịch tại địa phương chưa có định hướng lâu dài và các kế hoạch bài bản trong xây dựng các sản phẩm du lịch xanh chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách.
Những điều này đã cản trở phần nào những nỗ lực và sự cố gắng phục hồi từ ngành du lịch.
Theo bà, các doanh nghiệp du lịch cần tập trung vào việc gì để phát triển hơn nữa du lịch xanh ở Thủ đô? Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ ra sao để các doanh nghiệp vận hành trơn tru hơn trong thời gian tới?
Bà Đặng Hương Giang: Đồng hành với nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch cũng là mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh khởi sắc về du lịch xanh trong những năm trở lại đây.
Theo tôi, để có được những kết quả đáng khích lệ hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch xanh đồng bộ, khép kín, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao…
Mặt khác, sau dịch COVID-19, một lượng lớn lao động trong lĩnh vực du lịch đã chuyển dịch sang các ngành, lĩnh vực khác đã gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng nhân lực du lịch trong xây dựng và tổ chức các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp cần nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đào tạo để đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút lực lượng nhân lực du lịch chuyên môn cao.
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, ngành du lịch Thủ đô luôn ý thức việc triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như: Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý và phát triển hoạt động phát triển du lịch xanh…; nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đầu tư, hỗ trợ các đơn vị điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xanh.
Đồng thời, chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, dịch vụ du lịch, khu vực xử lý chất thải… tại các khu du lịch, điểm du lịch, di sản gắn với yếu tố văn hóa, tự nhiên… Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, nhất là các khu vực ưu tiên phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp làm du lịch tự phát, trái các quy định của pháp luật, xây dựng không phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên.
Đổi mới tư duy phát triển du lịch
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ có những hướng đi nào để phát triển du lịch xanh, đưa Thủ đô thành điểm đến lý tưởng của du khách, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Vì vậy, mục tiêu của ngành du lịch hiện nay là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Trước hết để hiện thực hóa mục tiêu này, Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới tư duy phát triển du lịch, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ.
Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, vận động các doanh nghiệp du lịch (đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng) có các giải pháp sử tiết kiệm năng lượng; cũng như có các biện pháp để xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường; hạn chế sử dụng túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuyệt đối không chế biến và bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Thứ hai, thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chất lượng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các điểm đến du lịch gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhận thấy vai trò thế mạnh của các làng nghề truyền thống, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làng nghề, nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới thiết bị công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ ba, cần phải nhắc tới là việc tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Song hành với các kế hoạch chuyên đề phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, những giải pháp kể trên sẽ góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu, sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của du lịch xanh Thủ đô.
Trân trọng cảm ơn bà!
Chung Anh (thực hiện)