Bay bằng dù lượn tại đồi Bù (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một trải nghiệm được nhiều người ưa thích.
NDĐT – Ngày 28/6, Sở Du lịch Hà Nội đã công bố kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù quý I/2022, thành phố Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng bước sang quý II, thành phố đã có bước “bứt tốc” mạnh mẽ nên du lịch đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 211.300 lượt, khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Có được kết quả này là nhờ thành phố Hà Nội đã tận dụng tốt đòn bẩy trong tổ chức SEA Games 31 (diễn ra trong tháng 5/2022). Đồng thời, thành phố tổ chức chuỗi sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 , tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM – Hà Nội 2022, Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội…
Thành phố cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới như: tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chương trình Chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Chuỗi hoạt động Ocean Festival tại Công viên thiên đường Bảo Sơn, Chuỗi sản phẩm: Khám phá Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học, Tour xe bus 2 tầng – Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội, Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”… Các sản phẩm du lịch mới, các sự kiện đều tạo sức hút với khách trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như các loại hình du lịch: văn hóa, trải nghiệm, thể thao, MICE. Thành phố cũng chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An tại xã Yên Mỹ, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức, mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất…
Hà Nội cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên kết trong khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ tiến đến khu vực vùng Thủ đô như các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để hình thành các tuyến du lịch như: Chùa Hương – Tam Chúc – Bái Đính, Hồ Gươm – Tràng An – Vịnh Hạ Long, Hà Nội – Lai Châu – Hà Giang, Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La…
GIANG NAM