(Chinhphu.vn) – Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ này. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài phát biểu rất xúc động của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt: Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
“Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan!
Thưa thân nhân các gia đình liệt sĩ và các đồng chí!
Tôi sẽ bắt đầu phát biểu hôm nay với hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương – Nghệ An tóc bạc trắng, gầy gò, ngồi trên giường ôm hài cốt của con đã hy sinh 51 năm trước được tìm thấy, phủ trong lá Quốc kỳ gọi tên con rồi khóc nức nở… Mẹ đã khóc đớn đau trong hạnh phúc tìm thấy 1 người con nhưng vẫn hỏi sao không đưa luôn người con thứ 2 của mẹ cũng đã hy sinh về, khi con đi con mới chỉ 17 tuổi. Hai con trai của mẹ hy sinh cách nhau chỉ có 2 ngày. Rồi mẹ đã ra đi khi không còn chờ tìm được phần mộ hoặc hài cốt người con thứ 2. Mẹ mang theo cả câu hỏi chưa có câu trả lời về đất mẹ mà ám ảnh tất cả chúng ta.
Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin con qua “Giấy báo tử”. Gần đây, tôi đi dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang quốc tế Việt Lào, có gần 12.000 ngôi mộ thì có tới 7.000 ngôi mộ thiếu thông tin. Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy những thông tin trên tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân.
Thưa thân nhân các gia đình liệt sĩ và các đồng chí!
Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc.
Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương tới thăm Trung tâm giám định ADN và làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là Viện Pháp y quân đội – Bộ Quốc phòng; Viện Pháp y quốc gia – Bộ Y tế và Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao kết quả và thái độ làm việc của các đồng chí vì những người đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi gửi tới toàn thể đội ngũ lãnh đạo và nhân viên được giao nhiệm vụ quan trọng và đầy ý nghĩa này lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí!
Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả.
Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu, nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ. Biết bao người mẹ, người cha, anh, em, họ hàng tâm nguyện tìm được người thân hy sinh trong chiến tranh. Những người vợ đi tìm chồng, con đi tìm cha đến mỏi mòn… Hơn 1 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc… Hàng triệu ước mơ tuổi trẻ, những lời hẹn ước ngày trở về… nằm lại nơi đất mẹ… Lần chia tay ra trận cũng là lần gặp cuối cùng. Bây giờ biết bao gia đình chỉ mong tìm được người thân, họ vẫn hy vọng và đi tìm người thân bằng những thông tin trên giấy báo tử. Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở với những người còn sống.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ để xoa dịu nỗi đau tinh thần đó bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân vì có rất nhiều liệt sĩ hy sinh từ thời chống Pháp, hy sinh ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong nước và ngoài nước.
Hàng trăm nghìn liệt sĩ đã về được với gia đình nhưng vẫn còn đó rất nhiều, rất nhiều gia đình đang ngày đêm mong ngóng tin tức liệt sĩ. Bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm chính trị, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung triển khai tích cực, hiệu quả trong những năm qua. Bên cạnh phương pháp xác minh thực chứng, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gene.
Tôi được biết với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ, có tâm và trách nhiệm cao với công việc, các đơn vị đã triển khai nhiệm vụ trong Đề án đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Từ năm 2011-2021, đã lấy 41.119 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN; thực hiện giám định được 9.403 mẫu. Qua phân tích, đối chiếu với 3.436 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đã xác định được danh tính của 1.389 liệt sĩ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Đề án, nhất là các cán bộ, nhà khoa học, nhân viên trực tiếp triển khai nhiệm vụ. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn, tri ân đến các tổ chức và cá nhân vì sự tận tâm và trách nhiệm với gia đình của những người đã hy sinh vẻ vang cho Tổ quốc. Sự mất mát và hy sinh đó không có gì bù đắp được và chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, tôi cũng đã chia sẻ và đề nghị các đối tác Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, rà phá, xử lý bom mìn, tẩy độc da cam/dioxin…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu xác định danh tính liệt sĩ rất lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế; thông tin, tài liệu và nhân chứng về các liệt sĩ tản mát, ngày càng ít; chất lượng mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất; cơ chế tài chính chưa phù hợp; nguồn nhân lực còn bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, cung cấp thông tin cho các gia đình còn hạn chế…
Thưa các đồng chí!
Trước buổi làm việc hôm nay, tôi đã chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung và công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ nói riêng. Để tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhất là Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 1515/QĐ-TTg.
Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể của các đồng chí, tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất, về việc cho phép và hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu thân nhân của các gia đình liệt sĩ chưa tìm được phần mộ: Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm thực hiện việc tích hợp, liên thông, đối chiếu, đồng bộ dữ liệu hiện có để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, phục vụ hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
Thứ hai, về bổ sung kinh phí để tăng cường, đầu tư mới, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ giám định ADN: Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng Đề án, trong đó xác định rõ các trang thiết bị cần nâng cấp, đầu tư mới và dự kiến kinh phí gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, về ưu đãi tuyển dụng nhân lực, hỗ trợ kinh phí đào tạo: Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành một số cơ chế, chính sách về tuyển dụng, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ cao: Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan thực hiện nghiêm các quy định nêu trên, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt này của đơn vị; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, về việc điều chuyển số lượng biên chế dự kiến tinh giản của Viện Công nghệ sinh học trong giai đoạn 2021-2026 vào nguồn nhân lực cơ hữu bổ sung cho hoạt động của Trung tâm giám định ADN: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ chủ động điều chuyển, sắp xếp biên chế, trong đó phải bảo đảm đủ nhân lực cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Thứ năm, về xây dựng đơn giá đặt hàng cho giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; việc thanh toán cho những mẫu làm nhiều lần mà không thu được kết quả giám định ADN: Đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn quy định nêu trên, trong đó bao gồm việc thanh toán cho những mẫu làm nhiều lần mà không thu được kết quả giám định ADN và kinh phí trả công cho cán bộ hợp đồng thực hiện công tác giám định ADN để phục vụ hiệu quả hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Thứ sáu, về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT cho hoạt động dịch vụ đặc thù của công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ: Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quy định miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy, về sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác giám định ADN: Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo đúng quy định của pháp luật về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế hợp tác công tư
Thứ tám, về việc sớm ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để thống nhất triển khai thực hiện: Đề nghị Bộ Quốc phòng khẩn trương ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong thời gian sớm nhất.
Thứ chín, về nghiên cứu, nhanh chóng lưu trữ mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được hài cốt để phục vụ cho đối chiếu sau này: Nhất trí và đề nghị làm nhanh việc này.
Thứ mười, về tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm của các nước phục vụ cho công tác giám định ADN: Nhất trí với đề xuất này, giao Bộ Ngoại giao có chương trình hợp tác, cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai.
Tôi giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì đánh giá, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trên cơ sở đó, chúng ta điều chỉnh cách làm trong thời gian tới có hiệu quả hơn.
Thưa thân nhân các gia đình liệt sĩ!
Hôm nay tất cả chúng ta chứng kiến niềm vui, niềm an ủi của những gia đình đã tìm được thân nhân hy sinh, như động lực để chúng ta tiếp tục cố gắng. Tôi đề nghị tất cả chúng ta, những người trực tiếp làm công việc này với tất cả trách nhiệm, tình cảm, sự trăn trở, tận tâm, xem như người thân trong gia đình mình, thể hiện sự tri ân, biết ơn, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến và mất mát của các anh hùng, liệt sĩ và thân nhân của họ, vì độc lập, tự do, sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.
Xin trân trọng cám ơn!”