03/01/2023
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong quản trị xã hội phản ánh quá trình số hóa mọi hoạt động của đời sống xã hội, tạo ra dữ liệu, có thể đưa vào máy tính hay kết nối lên mạng internet nhằm tối ưu hóa kết quả hoạt động, tạo bình đẳng, minh bạch, tiện lợi và an toàn trong cuộc sống con người. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, chuyển đổi số trong quản trị xã hội sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra trong quá trình này. Bài viết bàn về thực trạng, cơ hội, thách thức và gợi mở một số hàm ý đổi mới chính sách nhằm khai thác triệt để cơ hội chuyển đổi số trong quản trị xã hội ở nước ta hiện nay.
Đặt vấn đề
Trong khoảng hơn hai thập kỷ vừa qua thành quả công nghệ số phát triển nhanh chóng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của nhân loại. Thực tiễn này tất yếu dẫn đến thay đổi lối sống, giá trị, chuẩn mực của con người và tái tạo phương thức tổ chức, làm việc của xã hội. Thuật ngữ “Chuyển đổi số” (digital transformation) được thế giới quan tâm bàn luận nhiều trong khoảng vài năm gần đây, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế, xã hội thì chuyển đổi số được quan tâm như là một giải pháp để con người thay đổi cách tổ chức cuộc sống, cách thức làm việc, phương thức sản xuất – kinh doanh trước những khó khăn mà dịch bệnh đem đến nhờ các nền tảng công nghệ số. Các khía cạnh liên quan đến chuyển đổi số thể hiện ở các cấp độ khác nhau, như: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chuyển đổi số trong quản trị xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người và động lực chính của quản trị xã hội số là công nghệ số dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.
Quản trị xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số:
1) Công dân số: yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
2) Văn hóa số: văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.
Có thể nói, chuyển đổi số trong quản trị xã hội phản ánh quá trình số hóa các dịch vụ công, các hoạt động của công dân, bao trùm mọi hoạt động khác nhau của đời sống xã hội (dân số, lao động, việc làm, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, văn hóa…). Việc được số hóa, tạo ra dữ liệu, có thể đưa được vào máy tính hay kết nối lên mạng internet nhằm tối ưu hóa kết quả hoạt động (bình đẳng, minh bạch, an toàn cuộc sống con người). Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang theo đuổi các chương trình chuyển đổi số, trong đó có xã hội số. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, xếp hạng thứ 13 trên thế giới và đang là thời kỳ dân số vàng1. Việc quan tâm chuyển đổi xã hội số là rất ý nghĩa đối với sự phát triển, nhằm hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực trạng, cơ hội và thách thức chuyển đổi số trong quản trị xã hội ở Việt Nam
Thực tiễn phát triển công nghệ số trên thế giới cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong những thập niên gần đây đã thúc đẩy Việt Nam triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển lẫn đột phá chiến lược.
Cho đến nay, Việt Nam đã có một số chính sách rất quan trọng, đáng chú ý là ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt gần đây là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Chính phủ về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, là một văn bản được chờ đón từ lâu và đánh dấu một bước tiến tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam. Tiếp đến là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện những quan điểm của Đảng, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương từng bước số hóa quản trị xã hội. Hiện có trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có nếu so sánh với việc phải đến các cơ quan hành chính như trước. Chuyển đổi số trong quản trị lĩnh vực y tế cũng diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trung ương và địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10% so với tỷ lệ trước đây là 30%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và giảm tải cho hệ thống y tế2.
Trong hơn hai năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 được Bộ Y tế cập nhật hằng ngày với các chỉ số về ca bị nhiễm, ca tử vong, số người tiêm vắc xin… tất cả vận hành gần như tự động (https://covid19.gov.vn). Ngành Giáo dục trong những năm qua cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị ngành và hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản trị trong phòng, chống dịch với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết”3.
Theo báo cáo PISA được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Các lĩnh vực quản lý công dân bằng thẻ căn cước và chuyển đổi số các lĩnh vực khác của đời sống xã hội… được kỳ vọng giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn, bình đẳng xã hội trong tình hình mới.
Chuyển đổi số trong quản trị xã hội đang tạo nhiều cơ hội mới cho phát triển, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giảm bớt các thủ tục giao dịch trực tiếp, tiết kiệm thời gian, minh bạch, lành mạnh hóa xã hội và giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản trị xã hội. Chuyển đổi số trong quản trị xã hội cũng góp phần hiện đại hóa các hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, không ít thách thức đang đặt ra đối với quá trình chuyển đổi xã hội số ở Việt Nam, đó là hạ tầng thiết bị số gồm các hệ thống công nghệ thiết bị, máy tính “Make in Vietnam” chưa bảo đảm tính tự chủ, chưa kiểm soát tốt các kết nối và tốc độ truyền thông, truyền dẫn chưa đáp ứng, nhất là khả năng bao phủ của hệ thống truyền dẫn thông suốt trên phạm vi toàn quốc, kể cả vùng sâu xa chưa được bảo đảm. Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia gồm các nguồn dữ liệu thống kê dân số, lao động, việc làm, giáo dục, y tế, an sinh… các cơ sở dữ liệu ở cả cấp độ quốc gia, bộ ngành và địa phương đều được xây dựng với các công nghệ thu thập, lưu trữ, quản lý và phân phối dữ liệu còn thiếu tính thống nhất và liên thông giữa các chủ thể. Hệ thống giá trị, chuẩn mực tương tác số chưa được xác lập chính thức và cơ sở pháp lý của môi trường tương tác xã hội số chưa được thiết lập hoàn thiện.
Vấn đề bản quyền/các quyền sở hữu trí tuệ, nhiều bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác đến các lĩnh vực khác nhau của tương tác xã hội còn chưa được hình thành. Trình độ của đội ngũ nhân lực tham gia vào thiết kế, quản lý, vận hành và khả năng tiếp cận của người hưởng lợi (người dân) từ quá trình chuyển đổi số còn nhiều yếu kém và khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.
Một số định hướng giải pháp
Một là, chuyển đổi số nói chung hay chuyển đổi số trong quản trị xã hội nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu không một quốc gia nào có thể bỏ qua. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, rất cần sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao và khả năng tiếp cận công nghệ số nhanh… để từng bước hiện thực hóa chuyển đổi số trong quản trị xã hội.
Hai là, cần quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết bị số, xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý vận hành, hệ thống chuẩn mực, giá trị và pháp lý phù hợp với xã hội số, nhân lực tham gia và khả năng tiếp cận như nhau, bình đẳng giữa các nhóm xã hội…
Ba là, cần có chiến lược đồng bộ trong tiếp cận xã hội (tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa…) và giữa các vùng miền. Cần kiểm duyệt, kiểm soát tốt các nguồn thông tin của internet, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thế giới ảo và các hoạt động kỹ thuật số khác nhằm hạn chế những tiêu cực của môi trường “ảo”. Sẽ không có một công thức dành riêng cho quá trình này, nhưng hoàn toàn có thể vận dụng các khung đánh giá hiệu quả trong các khía cạnh xã hội cũng như các khung bảo đảm chất lượng các lĩnh vực này để định hướng quá trình chuyển đổi.
Bốn là, cần có tư duy mới về quản trị xã hội và vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều phối, huy động nguồn lực cấp hệ thống để quyết định hình hài xã hội mới. Bên cạnh việc hướng đến bảo đảm hiệu quả các lĩnh vực xã hội, tạo cơ hội tiếp cận các lĩnh vực xã hội bình đẳng cho mọi đối tượng, để không ai bị bỏ lại phía sau vẫn là mục tiêu quan trọng mà chuyển đổi số phải đạt được.
Năm là, để có thể thực hiện quá trình chuyển đổi số trong quản trị xã hội thành công, khai thác tối đa cơ hội và vượt qua thách thức, cần quan tâm đến lộ trình và bước đi phù hợp cho từng lĩnh vực và tổ chức trong quá trình chuyển đổi số hóa, trong đó quan tâm đến các khía cạnh: nâng cao nhận thức của các chủ thể xã hội về số hóa trong quản trị xã hội; tiếp tục tư duy về chuyển đổi số trong quản trị xã hội; xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; phát triển toàn diện năng lực số với hạ tầng thiết bị, hệ thống dữ liệu, nhân lực số, văn hoá số.
Sáu là, về mặt học thuật, nhiều khoảng trống nhận thức liên quan đến chuyển đổi số trong quản trị xã hội từ góc nhìn khoa học xã hội. Để đóng góp nhận thức mới góp phần vào quá trình này ở nước ta được thành công, các nghiên cứu khoa học xã hội cần tiếp tục nhận diện, đo lường và phân tích sâu các khía cạnh: nhận thức, mức độ, các thói quen, quán tính của người Việt Nam và khả năng tham gia tiếp cận công nghệ số hóa của các nhóm xã hội; năng lực quản lý vận hành, quản trị số của nhân lực; những sai lệch xã hội và kiểm soát mạng; hệ chuẩn mực, giá trị tham gia quản trị xã hội số, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi quản trị xã hội số…