Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 3 thông điệp, 3 định hướng, 3 trọng tâm với người Việt Nam ở nước ngoài
Sáng 22/8, dự phiên toàn thể “Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” trong khuôn khổ “Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư” tại Thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ 3 thông điệp, 3 định hướng, 3 trọng tâm với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đại biểu kiều bào và các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp trong nước tham dự Diễn đàn.
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Phát biểu tại Hội nghị, với sự hiện diện của đông đảo các vị nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài – những cánh chim đầu đàn đã dẫn đầu phong trào kiều bào từ hàng chục năm nay, với những đóng góp vô cùng quý báu cho đất nước, cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng nhận thấy nhiều gương mặt trẻ trung, năng động, thành đạt, có người quen, có người mới tham dự Diễn đàn, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc: Tre già, măng lại mọc, luôn mang trong lòng tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024” là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Cho rằng, Hội nghị là dịp hội ngộ, trùng phùng để cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, thiết thực về sự phát triển của đất nước trong những năm tới, và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế đóng góp quý báu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào: “Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến, chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đồng bào ta ở nước ngoài; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thông tin tới Hội nghị về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thế giới đang biến động nhanh, sâu rộng, phức tạp, khó lường với những khó khăn, thách thức chưa từng có về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Tương lai thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.
Theo Thủ tướng, trong xu thế chung đó, châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực, là trung tâm phát triển năng động, và tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới trong thế kỷ 21. Đối với Việt Nam, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam thực hiện kiên định 3 yếu tố nền tảng, 6 chính sách trọng tâm, sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”.
Thủ tướng khẳng định, đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước và 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước; đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng cộng đồng bà con người Việt Nam ở nước ngoài cho quê hương, đất nước trong suốt thời gian qua; biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến của kiều bào, chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đồng bào ta ở nước ngoài – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Là nguồn lực, động lực cùng đất nước bắt kịp, tiến cùng, vượt lên
Thông tin về 6 định hướng lớn phát triển đất nước thời gian tới; trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ 3 thông điệp đối với bà con, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Về “3 thông điệp”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm tuyên bố độc lập, 50 năm ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.
Bên cạnh đó, đất nước kỳ vọng và tin tưởng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước – Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài. Đất nước trân quý tình cảm, “nghe cho thấu, thấy cho rõ và hiểu cho hết” tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao ý kiến đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương, đất nước”.
Về “3 định hướng”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.
Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ là trách nhiệm của cả thống chính trị và của toàn dân, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.
Về “3 trọng tâm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
Các đại biểu dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp cho quê hương, đất nước, xây dựng bản sắc người Việt Nam ở nước ngoài.
“Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua đã khẳng định, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con đồng bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ đồng bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Các cấp, ngành, địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp ta ở nước ngoài đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi và áp dụng trên thực tế những ý kiến đóng góp của đồng bào; thực hiện các giải pháp một cách chủ động, tích cực. Trong đó lưu ý, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ… của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham luận của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và đề xuất về sự tham gia của kiều bào” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kiều bào hiến kế phát triển nhanh, bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại.
“Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng đề nghị bà con đoàn kết, vững mạnh, góp phần vào củng cố vị thế của đất nước; trên cơ sở đó góp phần hỗ trợ cộng đồng có vị trí tốt hơn tại nước sở tại. Bà con đồng bào tiếp tục đề xuất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ vui mừng được biết các trí thức, chuyên gia người Việt Nam đang là nguồn nhân lực rất mạnh tại các trường, viện nghiên cứu, tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước, hãy hiến kế, nhất là về phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; đồng thời, đề xuất những dự án cụ thể, nhân rộng cách làm tốt, mô hình hiệu quả và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện.
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”.
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Môi trường nước, Đại học Sydney với tham luận “Trí thức trẻ kiều bào đóng góp cho khoa học công nghệ tại Việt Nam” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình đọc tham luận tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đất nước đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển
Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tin tưởng, tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.
Ông Hoàng Đình Thắng đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.
Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đề xuất cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị-xã hội trong nước…
Về việc hỗ trợ cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó là xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch; tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào; quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…
Về nguồn lực triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Hoàng Đình Thắng mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng và tiếp tục chú trọng công tác này thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép); tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa với các kiều bào về các quy định liên quan quốc tịch, làm căn cước…
Về hoàn thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại Diễn đàn, liên quan đến “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và đề xuất về sự tham gia của kiều bào”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, với nhiều nhiệm vụ quan trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trong nước.
Tham luận về “Hướng tới tương lai phát triển bền vững – Phát triển xanh và vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức Việt Nam tại nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Ngọc nêu, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển với rất nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học công nghệ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những chủ trương, định hướng mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, cốt lõi là dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức tăng cường chia sẻ kiến thức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi và đưa các chuyên gia ở nước ngoài về nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam; cung cấp thông tin, giới thiệu sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; chủ động liên kế, tham gia các chương trình, dự án chuyển đổi công nghệ xanh…
Thông tin về số lượng, vị trí, vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, để phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy vai trò, sức sáng tạo của cộng đồng. Quán triệt phương châm “Đoàn kết là sức mạnh”, Đại sứ quán đã và đang đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết cộng đồng, phát triển và củng cố các hội đoàn của người Việt Nam tại Nhật.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin về “Cơ chế, chính sách và kinh nghiệm thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào của địa phương”. Các đại biểu kiều bào cũng phát biểu ý kiến, tham luận liên quan đến “Xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam”; “Hội nhập quốc tế trong khoa học của Việt Nam: Vai trò của trí thức kiều bào”; “Trí thức trẻ kiều bào đóng góp cho khoa học công nghệ tại Việt Nam”…
Hà Văn
Nguồn: Baochinhphu.vn