(khoahocdoisong.vn) – Để đưa khoa học ứng dụng vào đời sống, báo chí phải làm tốt vai trò là cầu nối giữa các tổ chức khoa học, người làm khoa học với các tầng lớp độc giả.
TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA):
Báo chí cần làm tốt chức năng nâng cao dân trí
Các cơ quan báo chí thuộc VUSTA là tiếng nói của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, của các nhà khoa học, là nơi phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là về công tác trí thức, về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; phổ biến các định hướng hoạt động của VUSTA, các tổ chức thành viên; góp phần vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.
TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA. |
Báo chí của VUSTA có sứ mệnh tuyên truyền phổ biến kiến thức, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào cuộc sống, tư vấn phản biện, giám định xã hội các chủ trương, chính sách, các đề án, dự án mà xã hội quan tâm. Trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ ngày càng được coi trọng, là then chốt, là động lực để phát triển thì vai trò và trách nhiệm của các nhà khoa học, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cũng ngày càng được đánh giá cao. Hệ thống báo chí của VUSTA cần làm tốt chức năng nâng cao dân trí, phổ biến khoa học công nghệ, đưa công nghệ đến gần hơn với đời sống để tạo ra giá trị.
Muốn làm được thế, người làm báo cũng như các cơ quan báo chí phải thể hiện được bản lĩnh chính trị, vì mục đích cao cả là phục vụ sự phát triển của đất nước, phụng sự đồng bào; phải không ngừng trau dồi học hỏi, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí; chủ động đổi mới phương thức thể hiện và nội dung tuyên truyền sao cho dễ hiểu, hữu ích, gần gũi mà vẫn mang tính thời sự, cập nhật được các thông tin, tri thức, công nghệ mới hàng ngày.
Để đưa khoa học ứng dụng vào đời sống, báo chí phải làm tốt vai trò là cầu nối giữa các tổ chức khoa học, người làm khoa học với các tầng lớp độc giả. Với hệ thống tổ chức, cộng đồng các nhà khoa học trải rộng khắp cả nước, khắp các ngành, lĩnh vực thì có thể coi đây là nguồn tài nguyên quý giá và bất tận của báo chí. Vấn đề là làm sao khai thác thật hiệu quả nguồn tài nguyên này. Rất mong báo chí trong hệ thống VUSTA thực sự trở thành diễn đàn sôi nổi, rộng mở của các nhà khoa học, các nhà công nghệ nói lên tiếng nói, phổ biến tri thức, chia sẻ kinh nghiệm của mình đóng góp vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra.
Xin chúc mỗi nhà báo đều trở thành là một nhà khoa học, nhà công nghệ thực thụ để truyền tải những thông tin về các lĩnh vực mà cuộc sống mong đợi một cách nhanh nhất nhưng lại chính xác nhất, thiết thực hiệu quả nhất.
TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA:
Tri thức chỉ có giá trị khi được lan tỏa
Chưa bao giờ truyền thông về khoa học và công nghệ lại có vai trò, vị trí quan trọng như ngày nay. Nguồn gốc của ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 xuất phát từ sự kiện ngày thành lập Hội Phổ biến Kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam 18/5/1963. Sự kiện này vinh dự được Bác Hồ có mặt và phát biểu. Tại đây, lời cặn dặn của Bác đã đi vào lịch sử: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA. |
Thuở ban đầu, nói đến khoa học là đã nói đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Ngày nay, không thể phủ nhận vai trò của khoa học và công nghệ, công tác truyền thông cũng có những bước phát triển lớn, nhiều tờ báo quan tâm. Đó cũng là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, với chức năng tuyên truyền phổ biến kiến thức như VUSTA. Vai trò của truyền thông cũng được sánh ngang hàng với công tác nghiên cứu khoa học.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, phương thức tuyên truyền hiện cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều công cụ hỗ trợ. Để làm tốt việc này, các nhà báo phải nâng cao năng lực của mình, trở thành nhà báo đa phương tiện. Bằng nhiều kênh khác nhau để đưa tri thức đến bạn đọc có hiệu quả. Phải làm sao để cả xã hội tôn vinh khoa học, tôn vinh những tấm gương nhà khoa học, động viên thế hệ trẻ dấn thân cho khoa học công nghệ. Từ đó tạo ra sức mạnh tinh thần, đưa khoa học trở thành lực lượng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày nay, người đọc thích các kiểu tin bài mới, cuốn hút, gây tò mò. Lại trong bối cảnh cạnh tranh về thông tin, thách thức đặt ra cho nhà báo là phải đưa thông tin sao cho hấp dẫn, bằng nhiều cách khác nhau, kể cả vấn đề khoa học cũng cần đưa một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng. Xã hội càng phức tạp thì những thông tin mang giá trị cao là những tấm gương người tốt, tấm gương các nhà khoa học lao động sáng tạo, gương học giỏi, phát minh tốt…