Năm 1971, Ray Tomlinson, một lập trình viên máy tính nổi tiếng người Mỹ, đã sáng tạo ra email dựa trên hệ thống ARPANET, tiền thân của Internet ngày nay. Kể từ khi ra đời, email đã cách mạng hóa hoạt động của các doanh nghiệp và phương thức liên lạc của con người trên khắp thế giới.Ray Tomlinson sinh ra tại Amsterdam, New York, Mỹ vào ngày 23/4/1941. Ông hoàn thành chương trình cử nhân khoa học về kỹ thuật điện tại Học viện Bách khoa Rensselaer (RPI) ở Troy, New York năm 1963. Trong thời gian học đại học, ông đã thực tập tại tập đoàn công nghệ IBM. Ông nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1967. Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập công ty Bolt, Beranek và Newman (nay là BBN Technologies) với tư cách là kỹ sư chính, nơi ông làm việc cho đến cuối đời.
Vào đầu thập niên 1960, các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ để gửi tin nhắn từ người dùng này đến người dùng khác trên cùng một máy tính. Khi Tomlinson bắt đầu làm việc tại BBN vào năm 1967, ông đã giúp hoàn thiện mạng ARPANET [một dự án do Chính phủ Mỹ tài trợ], tiền thân của Internet ngày nay. Năm 1971, ông phát triển ứng dụng đầu tiên trên mạng ARPANET gọi là email (thư điện tử), bằng cách kết hợp chương trình SNDMSG và CPYNET, cho phép gửi tin nhắn đến người dùng trên các máy tính khác.
Trong quá trình thiết lập một địa chỉ email, Tomlinson đã sử dụng ký tự @ để phân tách tên người dùng (bao gồm cả người gửi và người nhận) với tên máy. Ký tự @ không được sử dụng phổ biến trên máy tính vào thời điểm đó, vì vậy sẽ không gây ra nhầm lẫn. Sau này, cấu trúc theo thứ tự “tên người dùng @ tên máy chủ” đã trở thành tiêu chuẩn cho địa chỉ email và người ta vẫn sử dụng như vậy cho đến ngày nay.
Năm 2010, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) đã đưa ký tự @ vào bộ sưu tập kiến trúc và thiết kế của mình, đồng thời gọi nó là “một biểu tượng của thời đại máy tính”.
“Email ra đời khi tôi đang nghiên cứu những cách mà con người và máy tính có thể tương tác với nhau”, Tomlinson chia sẻ trong buổi phóng vấn với hãng tin tức NPR vào năm 2009. “Tôi bắt đầu thử nghiệm bằng cách gửi tin nhắn giữa hai máy tính DEC-10 đặt trong văn phòng do Digital Equipment Corporation sản xuất. Các bàn phím chỉ cách nhau khoảng 3m. Tôi có thể dễ dàng xoay chiếc ghế của mình từ máy tính này sang máy tính khác. Tôi gõ tin nhắn trên một máy tính, sau đó kiểm tra hộp thư trên máy tính kia để xem nó đã đến chưa”.
Thật đáng tiếc là Tomlinson không nhớ những gì đã viết trong email đầu tiên. Tin nhắn thử nghiệm mà ông tự gửi cho mình chỉ bao gồm những chuỗi ký tự vô nghĩa. “Tin nhắn đầu tiên đó rất dễ quên, và thực tế thì tôi đã quên nó rồi”, Tomlinson chia sẻ.
“Khi hệ thống email hoạt động ổn định, tôi đã gửi thư tới các đồng nghiệp để thông báo kết quả và mô tả những gì tôi đã làm, bao gồm cả quy ước sử dụng ký tự @ trong địa chỉ email”, Tomlinson nói.
Vài thập kỷ sau khi Tomlinson sáng tạo ra email, nó vẫn là một thứ mới lạ đối với đa số mọi người. Nguyên nhân là do máy tính vào thời điểm đó quá lớn và đắt tiền. Khi máy tính cá nhân phổ biến hơn và giá cả phải chăng vào cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990, các dịch vụ trực tuyến như America Online và email bắt đầu trở nên thông dụng. Đến năm 1996, người dân Mỹ gửi thư điện tử nhiều hơn thư viết tay gửi qua đường bưu điện. Ngày nay, có gần 4 tỷ tài khoản email và gần một nửa dân số thế giới sử dụng email, theo Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
“Nhìn chung, tôi thấy email đang được sử dụng chính xác như cách mà tôi đã hình dung ban đầu. Mọi người dùng nó theo những mục đích khác nhau, không đơn thuần chỉ là một công cụ làm việc hoặc giao tiếp”, Tomlinson cho biết. “Nếu thời gian quay trở lại, tôi ước mình có thể đưa vào thiết kế email ban đầu một phương tiện yêu cầu xác thực danh tính của người gửi, ngăn chặn thư rác và gian lận. Vào thời điểm đó, rất ít người sử dụng máy tính để gửi tin nhắn nên khó có thể tưởng tượng khả năng email bị lạm dụng”.
Tomlinson tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các tiêu chuẩn cho email thời kỳ đầu bao gồm: tên, ngày tháng và tiêu đề quen thuộc ở phần đầu của mỗi email. Sau đó, ông đã giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác tại công ty BBN, đáng chú ý là “Quy trình kết nối ba bước” cho phép máy tính thiết lập các quy tắc giao tiếp với thiết bị ngoài, chẳng hạn như modem hoặc máy in, và một hệ thống máy trạm gọi là Jericho.
Niềm đam mê của Tomlinson là giải quyết các vấn đề phức tạp, thay vì chú trọng tiếp thị các phát minh của mình. Ông đã giải quyết nhiều vấn đề về phần mềm còn khó hơn nhiều so với các giao thức chính trong hệ thống email. Ông từng tạo ra một chương trình máy tính cho phép các nhạc sĩ ở nhiều nơi trên thế giới chơi cùng nhau, như thể họ đang ở cùng một phòng. Một trong những dự án cuối cùng của ông liên quan đến việc phát triển phần mềm giúp quản lý việc tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay.
“Tomlinson đã tạo ra những thứ mà rất nhiều lập trình viên trẻ hơn không thể làm được”, Derrick Kong, một đồng nghiệp của Tomlinson tại BBN, cho biết.
Trong suốt sự nghiệp, Tomlinson nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến Giải thưởng Tiên phong Máy tính George R. Stibitz của Bảo tàng Máy tính Mỹ năm 2000, Giải thưởng Webby từ Học viện Khoa học và Nghệ thuật Kỹ thuật số Quốc tế vào năm 2001. Năm 2002, tạp chí Discover Magazine đã trao tặng cho ông Giải thưởng Sáng tạo. Năm 2011, ông được vinh danh với Giải thưởng Văn hóa Eduard Rhein Kulturpreis. Ông xếp ở vị trí thứ tư trong danh sách 150 nhà đổi mới và ý tưởng hàng đầu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Tomlinson được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Internet vào năm 2012 vì “đã mang đến một cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản cách mọi người giao tiếp”. Ông qua đời vì một cơn đau tim tại nhà riêng ở Lincoln, Massachusetts vào ngày 5/3/2016.
Trong đời sống hằng ngày, có một điều thú vị là Tomlinson không sử dụng điện thoại di động. Suzanne Schaffer, một trong hai cô con gái của ông thường liên lạc với ông qua email, cho biết: “Cha tôi không nghĩ rằng chúng ta nên tiếp cận với công nghệ mọi lúc, mọi nơi”.
Quốc Lê Theo MIT, Nytimes, NPR