Vận chuyển gạo hỗ trợ người dân quận 12 (TP Hồ Chí Minh) vượt qua khó khăn. Ảnh: TUẤN KIỆT
Bộ Chính trị mới đây đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quyết định này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận xã hội, cho thấy tầm nhìn thấu rõ thực tế cùng giải pháp quyết liệt để giúp đỡ nhiều bộ phận người dân đang gặp khó khăn do đại dịch, tạo cơ sở cho cả xã hội tiếp tục vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ trương đúng đắn
Việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 ngày 25/6, đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan báo cáo, các đợt dịch Covid-19 trong năm ngoái và năm nay có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, để phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung hoàn thành nhiệm vụ kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, hạn chế tối đa nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, việc xây dựng chính sách tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách.
Trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các cơ quan, kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. Bộ Chính trị đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Cần công khai, minh bạch
Theo Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dự kiến nghị quyết mới của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động sẽ bổ sung nhiều nội dung so Nghị quyết 42/NQ-CP, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.
Tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đức Thuận – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Nam Đồng (quận Đống Đa) chia sẻ: Chưa nói đến tiền hỗ trợ nhiều hay ít nhưng chủ trương đúng đắn vào thời điểm này sẽ là động lực để doanh nghiệp, người lao động nỗ lực vượt khó…
PGS, TS Vũ Quang Thọ – nguyên Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá: “Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ là rất đúng đắn và nhân văn. Hiện nay là thời điểm nhiều công nhân lao động “đói” việc làm, tiền lương và thu nhập giảm. Lúc này, “cánh tay nhân ái” từ phía Đảng và Nhà nước đưa ra giúp đỡ công nhân lao động là thật sự cần thiết”.
Nhiều chuyên gia nhận định, điều căn bản nhất đối với những người làm chính sách, điều hành chính sách, thực hiện chính sách là làm sao để sự hỗ trợ đến tận tay và kịp thời với người lao động và người sử dụng lao động. Cần minh bạch, công khai, rõ ràng tiêu chuẩn của đối tượng được hưởng sau đó mới bàn đến mức được hưởng. Kinh nghiệm rút ra từ đợt một hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng sẽ là cần thiết để triển khai hỗ trợ đợt hai này.
“Tiền hỗ trợ đáng quý, nhưng nếu chi trả không đúng sẽ dẫn đến thực hiện sai lệch chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhằm phát hiện ra những khiếm khuyết trong việc hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp”, PGS, TS Vũ Quang Thọ cho biết.
Ở thời điểm này, việc hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Để chủ trương đó phát huy hiệu quả, ngay từ bây giờ, các cơ quan liên quan cần triển khai nghiên cứu, xây dựng, đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
HOÀNG DUY