GD&TĐ – Nghị quyết của Đảng xác định, định hướng phát triển đất nước trong 10 – 20 năm tới đều có nội dung liên quan đến GD-ĐT. Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM. (Ảnh chụp khi chưa giãn cách xã hội do dịch)
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược phát triển; trong đó giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược này. Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của toàn ngành, thầy cô, nhà trường cũng cần nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
Linh hoạt thích ứng
Ấn tượng với việc ngành Giáo dục đã thực hiện tốt mục tiêu kép là: Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn thành kế hoạch năm học 2020 – 2021; đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) viện dẫn: Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu HSSV cả nước vẫn không bị ngưng trệ các hoạt động dạy – học và đào tạo.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc dạy – học trực tuyến, đào tạo từ xa trong thời gian HSSV nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19. Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô giáo, nhà trường áp dụng sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học; tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
“Đặc biệt, Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để ngành Giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2020 – 2021 như: Cơ chế tự chủ đại học, thực hiện Chương trình mới, sách giáo khoa mới” – đại biểu Châu Quỳnh Dao nhận định, đồng thời thống nhất với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt phương pháp thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương và hoàn cảnh thực tiễn, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đề ra.
Bước sang năm học mới, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng: Việc đầu tiên ngành Giáo dục cần làm là tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Quyết tâm triển khai thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Trên tinh thần đó, cần quán triệt sâu rộng để cán bộ, giáo viên, nhân dân hiểu đầy đủ về hai Nghị quyết này.
“Trước hết mỗi thầy, cô giáo phải là người tuyên truyền để giúp xã hội hiểu rõ hơn về chủ trương lớn của Đảng cũng như của Bộ GD&ĐT đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu quan điểm.
Kiên định với mục tiêu đổi mới
Nhấn mạnh, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, bà Tôn Ngọc Hạnh – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV đề xuất: Đảng, Nhà nước các cấp cần quan tâm, chăm lo cho giáo dục một cách thiết thực, hiệu quả bằng những chương trình, hành động, đề án và chiến lược cụ thể. Đây sẽ là căn cứ cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư theo kiểu dàn trải.
Theo bà Hạnh, hầu như các Nghị quyết của Đảng xác định, định hướng phát triển đất nước trong 10 – 20 năm tới đều có nội dung liên quan đến GD-ĐT. Vì thế, cần nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đây là một trong ba đột phá chiến lược phát triển; trong đó giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược này. Trong giai đoạn hiện nay, đã là nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có các tiêu chí về công nghệ thông tin, ngoại ngữ… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, một mặt phải sắp xếp hài hòa nguồn nhân lực mà đất nước và khu vực đang cần; mặt khác cần quy hoạch và chiến lược phát triển bài bản dựa trên các giải pháp căn cơ, mà ở đó giáo dục là vấn đề “gốc rễ”. Tuy nhiên, để làm được điều này, không thể nói “một sớm, một chiều”, mà cần làm từng bước và bắt đầu từ những thanh, thiếu niên nhi đồng cho đến đội ngũ nhân sỹ, tri thức…
Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021, TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh: Ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29, cùng Kết luận 51 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm 2021, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với chiến lược đột phá là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, ngành Giáo dục và đào tạo, nhất là ở cấp đại học cần được quan tâm đúng mức. Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với các bộ, ban ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, để tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần lựa chọn khâu đột phá để thấy tầm quan trọng của những việc mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, xác định điều kiện để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đề xuất một số giải pháp, TS Nguyễn Đắc Hưng trao đổi: Bộ GD&ĐT cũng như các trường, các cơ sở đào tạo cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; trước mắt là thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022.
TS Nguyễn Đắc Hưng đặt vấn đề, nhiệm vụ chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng điều kiện để thực hiện điều đó là như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai? Điều này cần phân định rõ ràng, minh bạch. Thậm chí, có thể kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ để giáo dục, đào tạo nhận được sự quan tâm nhiều hơn.Theo TS Nguyễn Đắc Hưng, sự nghiệp giáo dục là của toàn Đảng, toàn dân, nên không thể để giáo dục “cô đơn”. Riêng với giáo dục đại học, cần xác định vấn đề đột phá là gì? Phải chăng vấn đề cốt lõi là tự chủ? Trong tự chủ, vấn đề nào cần được quan tâm, tháo gỡ? Ngoài ra, cần tính toán sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học; trong đó có các trường sư phạm.
Minh Phong