VietnamNet – Đây là khuyến nghị được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra trong Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” vừa công bố mới đây.
Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Báo cáo được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Chương trình Đối tác chiến lược Giai đoạn II giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ.
Mục đích của báo cáo này là nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp và đề xuất một nghị trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.
Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhờ công nghệ
Thời gian qua việc ứng dụng và truyền bá các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam.
Các đột phá công nghệ trong quá trình sản xuất và phân phối sẽ tác động đến các ngành sản xuất ở mức độ khác nhau, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các ngành dịch vụ. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân.
Chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ về việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. |
Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp số để hỗ trợ tăng trưởng và tăng tính linh hoạt của doanh nghiệp.
Các chuyên gia xây dựng Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp này chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động.
Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi. Do đó, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ.
Tích lũy năng lực đổi mới để hướng tới công nghệ 4.0
Kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung. Chính bởi vậy, còn rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp.
Do chi phí lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ Công nghiệp 4.0 như in 3D, robot còn rất ít. Ngoài ra, việc chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của Công nghiệp 3.0 và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng công nghệ kỹ thuật số, sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.
Việt Nam nên thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ
Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.”.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.
Không chỉ tập trung cho nghiên cứu và phát triển, sự lan tỏa công nghệ có thể mang lại hiệu quả đáng kể về năng suất lao động và việc chuyển đổi nền kinh tế. Do vậy, việc quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là điều được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động cũng hết sức quan trọng trong việc ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Trước khuyến nghị của các chuyên gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: “Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn.”.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045.
Trọng Đạt