KH-ĐS – Theo báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”, việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm đến năm 2045.
Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” do CSIRO – cơ quan khoa học quốc gia Australia – và các đơn vị thuộc Bộ KHCN cùng thực hiện.
Báo cáo này nằm trong Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Báo cáo này cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2019, đóng góp của đổi mới công nghệ đã vượt đóng góp của thâm dụng vốn và chiếm tới hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế.
Cả giai đoạn 2001-2019, đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đều có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế.
Các yếu tố phi công nghệ (tổ chức, cơ cấu, văn hóa doanh nghiệp) đang là rào cản để đáp ứng các yêu cầu của đổi mới công nghệ. Nếu tháo gỡ được các rào cản này, năng suất trung bình của Việt Nam có thể tăng 23%.
Báo cáo đã đưa ra 2 mô hình để gia tăng mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế.
Cả 2 mô hình đều chỉ ra, đầu tư R&D là phương án tối ưu để kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm đến năm 2045. Nhưng tăng trưởng này chỉ thể hiện rõ nét sau khoảng 10 năm đầu tư.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư công nghệ, mà cần phải tăng cường hấp thu công nghệ.
Bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang ở công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay) hoặc 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính).
“Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại” – báo cáo cho biết.
QUỐC TRỌNG