GD&TĐ – Thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Đào tạo Tự động hóa đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Đây là nhận định về tương lai việc làm trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0 và dịch Covid-19. Với xu hướng này, người lao động rất cần được trang bị những kỹ năng mới để bảo đảm thích ứng việc làm và có thu nhập tốt hơn.
Gia tăng khoảng cách về kỹ năng lao động
Các nghiên cứu về xu hướng lao động việc làm mới đây cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm tới thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc.
Một số lượng lớn các công ty đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thay đổi chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ về robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo tác động vào quá trình sản xuất. Điều này khiến cho 40% người lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Đồng thời tạo ra khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lực lượng lao động toàn cầu hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường.
Không nằm ngoài xu hướng này, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang phát triển rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành nghề, công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và công nghệ mới.
Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Chuẩn bị cho nguồn nhân lực của Việt Nam có thể cải thiện vị thế và nhanh chóng thích ứng với xu hướng công nghệ mới, Chính phủ đã có các chính sách và chương trình quan trọng, cụ thể: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chủ đề này.
Về vấn đề lao động, mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời ban hành quyết định của Thủ tướng về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với mục tiêu Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động; Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp…
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Các chính sách nêu trên đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhất là cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bên Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo.
Các hoạt động đào tạo đang chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu lao động mới, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra đã có những kiến thức, kỹ năng, công nghệ 4.0 trong khoảng 50 – 60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng trong khu vực ASEAN và thế giới.
Ngành cũng đã tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình từ nước ngoài đào tạo chất lượng cao, trong đó có các nghề trong lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học… Thúc đẩy triển khai đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề. Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lượt người. Xác định rõ các ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới để thích ứng với yêu cầu sản xuất mới.