VÂN TUYẾT
KH&ĐS – GS.TSKH Lê Thị Hoài An, Đại học Lorraine – UFR MIM (Pháp) vừa được Hiệp hội Quốc tế Tối ưu hóa toàn cầu (ISoGo) trao tặng giải Constantine Caratheodory. Sau GS Hoàng Tụy (Viện Toán học), bà là người Việt Nam thứ 2 được nhận giải thưởng danh giá này.
Cách mạng cho nhiều ngành khoa học ứng dụng
Bà Lê Thị Hoài An tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Tối ưu hóa năm 1994 và Tiến sĩ khoa học năm 1997 tại Pháp. Năm 2012, bà được phong Giáo sư ngoại hạng (chức danh giáo sư cao nhất) của Chính phủ Pháp. Một năm sau, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật có đóng góp lớn về Văn hóa và Giáo dục. Mới đây nhất, tháng 9/2021 bà được Hiệp hội quốc tế Tối ưu hóa Toàn cục trao Giải thưởng toán học quốc tế Constantine Carathéodory Prize.
Constantine Carathéodory Prize là Giải thưởng mang tên nhà toán học Constantine Carathéodory được Hiệp hội quốc tế Tối ưu hóa Toàn cục lập ra vào năm 2011. Giải thưởng được trao 2 năm một lần cho một cá nhân (hoặc một nhóm) có đóng góp công trình xuất sắc đã vượt qua thử thách của thời gian về lý thuyết, thuật toán và ứng dụng. GS.TSKH Lê Thị Hoài An là người Pháp đầu tiên (thứ 3 châu Âu) và là nhà nghiên cứu Toán ứng dụng thứ 10 trên thế giới vinh dự nhận được giải thưởng danh giá này.
Theo GS.TSKH Lê Thị Hoài An, giải thưởng là sự ghi nhận của cộng đồng khoa học dành cho những đóng góp của bà trong việc tạo ra một lĩnh vực cơ bản mới về Tối ưu hóa Không lồi và Không khác biệt. Đó là thuật toán có tên DC (Sự khác biệt của hàm Lồi) và DCA (Thuật toán DC – Lý thuyết, Thuật toán và Ứng dụng). Nghiên cứu này tạo ra tính cách mạng cho nhiều ngành khoa học ứng dụng khác nhau, đặc biệt là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
Người Việt rất có năng khiếu về toán và tin học
GS.TSKH Lê Thị Hoài An là con gái út của gia đình trí thức thành đạt ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Bố, mẹ và 4 anh chị em trong gia đình đều là các giáo sư, phó giáo sư nổi tiếng theo nghiệp nhà giáo. Tốt nghiệp thủ khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1980, GS.TSKH Lê Thị Hoài An được giữ lại làm giảng viên. Trước khi sang Pháp (năm 1991) theo một chương trình hợp tác với Đại học Joseph Fourier Grenoble 1, bà đã có 10 năm tham gia giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Tại Pháp, bà may mắn gặp được GS Phạm Đình Tảo – người thầy và sau này là người chồng, người đồng nghiệp sáng lập ra thuật toán DC và DCA. GS Phạm Đình Tảo khởi xướng phương pháp tối ưu không lồi từ năm 1985. Hai nhà khoa học đã cùng nghiên cứu, phát triển DC và DCA rộng rãi ra thế giới kể từ năm 1993 và được nhiều hãng công nghiệp lớn trên thế giới biết tới.
Đặc biệt, khoảng 15 năm gần đây, DCA được rất nhiều nhà khoa học thế giới thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau sử dụng. Phương pháp này trở thành công cụ hữu hiệu cho phép giải quyết những vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau như y học, phân tích hình ảnh, mã hóa, bảo mật và độ tin cậy, khai thác dữ liệu và học máy, quân sự, viễn thông, giao thông, quản lý sản xuất, tài chính, năng lượng, cơ học, sinh học, chuỗi cung ứng…
GS.TSKH Lê Thị Hoài An cho biết, nhiều năm qua bà đã ưu tiên nhận nghiên cứu sinh người Việt với mong ước góp phần phát triển toán ứng dụng tại Việt Nam. Người Việt Nam rất có năng khiếu về toán và tin học. Vì vậy, bà mong muốn thúc đẩy các học trò Việt Nam ý thức được tầm quan trọng của toán học. Đặc biệt là những nghiên cứu ứng dụng toán kỹ thuật số và khoa học dữ liệu vào các lĩnh vực khác nhau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
GS.TSKH LÊ THỊ HOÀI AN ĐƯỢC HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC (EXCEPTIONAL) VỚI SỐ ĐIỂM 29/30. BÀ ĐÃ CÓ HƠN 280 CÔNG TRÌNH KHOA HỌC VỀ TOÁN TỐI ƯU VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU, TRONG ĐÓ CÓ 140 BÀI BÁO CÔNG BỐ TRONG CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC QUỐC TẾ. BÀ ĐÃ ĐÀO TẠO 35 TIẾN SĨ VÀ 4 TIẾN SĨ KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI ĐẠT NHIỀU THÀNH QUẢ CAO TRONG CÁC DỰ ÁN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CHO NHIỀU HÃNG CÔNG NGHIỆP LỚN.