Phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain tại Công ty TNHH BraveZone.
NDĐT – Nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty về lĩnh vực công nghệ blockchain của Việt Nam không hề kém so với các nước, và bước đầu đã gặt hái được thành công. Vấn đề hiện nay là cần có hành lang pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động của lĩnh vực công nghệ này lên một bước tiến mới.
Nhận thấy thị trường game ứng dụng blockchain đang bùng nổ, nhóm bạn trẻ chuyên về toán ứng dụng và tin học đã quyết định thành lập Công ty TNHH BraveZone với mục tiêu khai phá thị trường này. Tháng 9 vừa qua, nhóm đã cho ra mắt phiên bản trải nghiệm của game đầu tay xây dựng trên nền tảng blockchain mang tên HeroFi. Dựa trên sản phẩm gốc là game truyền thống đã ra mắt thị trường năm 2018, HeroFi được nâng cấp, ứng dụng công nghệ blockchain, sở hữu cộng đồng lên đến gần 60 nghìn người dù chưa ra mắt phiên bản chính thức. Và mới đây, game này đã có màn kêu gọi vốn thành công, với số tiền lên tới gần ba triệu USD.
Đây chỉ là một trong những công ty xuất hiện trên thị trường game ứng dụng công nghệ blockchain. Sau hiện tượng game Axie Infinity gọi vốn thành công, hàng loạt dự án game “made in Việt Nam” xuất hiện như My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher… mở ra nhiều cơ hội cho các start-up trẻ thử sức với công nghệ blockchain.
Blockchain là công nghệ mới, được nhắc đến nhiều thời gian qua và được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Theo các chuyên gia công nghệ, trên phương diện thanh toán, công nghệ blockchain giúp thực hiện giao dịch mà không cần xác thực bởi bên thứ ba. Do thông tin được lưu trữ trên nhiều máy tính, cho nên nếu một máy tính bị ảnh hưởng sẽ không làm mất dữ liệu. Trong y tế, công nghệ blockchain có thể dùng để lưu trữ hồ sơ bệnh án và bước đầu nó đã được áp dụng tại một số nước, với ưu điểm dữ liệu lưu trữ có tính bền vững, ổn định, lâu dài, tuyệt mật. Công nghệ blockchain cũng được ứng dụng trong gây quỹ và kêu gọi đầu tư.
Giám đốc chiến lược vùng Công ty Infinity Blockchain Labs Đỗ Văn Long cho biết, tiềm năng của công nghệ blockchain còn có thể ứng dụng quản lý giao thông, như dịch vụ chia sẻ xe hay taxi công nghệ như Uber, Grab. Nếu giao dịch giữa tài xế và người sử dụng, công ty cung cấp dịch vụ sử dụng nền tảng blockchain thì mọi thông tin sẽ minh bạch, việc quản lý của cơ quan chức năng cũng trở nên đơn giản hơn. Trong quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ứng dụng giúp tiết kiệm chi phí, trong đó có thêm lớp quản trị thông tin, lưu trữ mọi thông tin từ khi trồng đến thu hoạch chế biến.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – người sáng tập Công ty TNHH BraveZone, xu hướng đưa công nghệ blockchain ứng dụng vào thực tế cuộc sống có giá trị rất cao và sẽ là chủ đạo trong vài năm tới. Ở mảng game, khi áp dụng công nghệ blockchain sẽ tạo sự minh bạch trong tài sản cho người chơi. Hay loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain sẽ tạo ra một thị trường giao dịch cho các sản phẩm hội họa của họa sĩ, bảo đảm tính bản quyền tác giả. Trong tương lai, không chỉ lĩnh vực game hay nghệ thuật mà ngân hàng, y tế, bất động sản và rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống sẽ ứng dụng công nghệ blockchain.
Cũng theo nhận định của ông Phạm Anh Tuấn, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển công nghệ blockchain, như nhân sự chăm chỉ, năng động, tiếp cận công nghệ nhanh, sẵn sàng học hỏi để trở thành người dẫn đầu. Dù nguồn nhân lực không hề thua kém các quốc gia công nghệ khác trên thế giới, nhưng chúng ta còn yếu hơn họ về mặt thiết kế sản phẩm và tiếp cận thị trường. Ngành game blockchain đang rất mới lạ, không chỉ ở nước ta mà trên toàn cầu. Đây là cơ hội để các start-up phát triển sản phẩm, đồng thời định vị game Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, một bất cập hiện nay là chưa có hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain. Theo ông Đào Hoàng Thanh, Giám đốc Công nghệ Vườn ươm LauchZone, Việt Nam đang có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng cho ứng dụng công nghệ blockchain. Điều đó dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám”. Phần lớn các start-up về lĩnh vực blockchain hiện phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực… đều ở Việt Nam. Nếu có khung pháp lý, việc quản lý tài sản, gọi vốn khởi nghiệp hay ứng dụng công nghệ này sẽ hiệu quả hơn.
Đại diện Công ty Cổ phần công nghệ Tomochain Việt Nam từng kiến nghị cơ quan chức năng sớm xây dựng khung pháp lý cho công nghệ blockchain. Đồng thời, thành lập ban liên ngành để nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có blockchain. Có như vậy, việc gọi vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực blockchain mới có thể diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn. Đồng thời, tạo ra nguồn lực mới trong phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất khẳng định, các công ty về blockchain của Việt Nam không hề thua kém so với các nước. Vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đồng hành để đẩy mạnh các hoạt động lên một bước tiến mới, có cơ chế thử nghiệm các công nghệ mới, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực khi nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan các công nghệ mới phải sang nước khác để khởi nghiệp.
ÁNH TUYẾT