Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn tại Hội nghị.
NDĐT – Ngày 13/12, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị Tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia có 7 chương trình, bao gồm 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ (chương trình KC) và 1 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20).
Trong đó, các chương trình được triển khai bởi hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành đến từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp nghiên cứu với tổng kinh phí 2.145 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách nhà nước là 1.533 tỷ đồng).
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn phục vụ cho ngành, địa phương, doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; nhiều kết quả có giá trị khoa học cao ngang tầm khu vực và quốc tế; góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học-công nghệ cho đất nước.
Đến nay, 97% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 206 nhiệm vụ có kết quả đạt và 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, nhiều báo cáo kiến nghị, chắt lọc từ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã được gửi tới các cơ quan, ban, ngành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Các kết quả nghiên cứu đã có 469 loại sản phẩm dạng 1; trong đó, có 103 loại máy móc, 85 loại vật liệu mới, 31 dây chuyền công nghệ, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm… đã được thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong thời gian thực hiện.
Mặt khác, 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/bộ dữ liệu, 60 phần mềm các loại được ứng dụng, triển khai; nhiều phần mềm được triển khai đạt hiệu quả ngay tại các bộ, ngành và địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trình bày tham luận về một số định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách phát triển khoa học-công nghệ; trao đổi về những định hướng cho các chương trình giai đoạn tiếp theo về khía cạnh nội dung cũng như công tác quản lý làm cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình trong giai đoạn tới; đồng thời, góp phần phục vụ xây dựng chiến lược về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
TUẤN ANH