(Chinhphu.vn) – Nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam mở cửa trở lại với sự chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng sức hấp dẫn của điểm đến cũng như sự thân thiện, mến khách, chu đáo của con người Việt Nam… là những điểm cộng giúp cho du lịch Việt Nam luôn được đánh giá cao từ bạn bè thế giới.
Sau hơn 2 tháng mở cửa lại toàn bộ các hoạt động (từ 15/3), du lịch Việt Nam đã thật sự khởi sắc, tạo luồng sinh khí mới góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ VHTT&DL) Hà Văn Siêu đã trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả của ngành du lịch Việt Nam vừa đạt được cũng như những điểm còn hạn chế thời gian qua để nâng tầm ngành “công nghiệp không khói” này.
Từ sau ngày 15/3/2022, các bộ, ngành, địa phương đã tổng lực triển khai mở cửa du lịch quốc tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành du lịch đã đạt được những kết quả như thế nào từ sau dấu mốc quan trọng này, thưa ông?
“Phá băng” tâm lý e dè, lo sợ khi đi du lịch
Ông Hà Văn Siêu: Từ ngày 15/3/2022 khi được Chính phủ cho phép chính thức mở lại hoạt động du lịch quốc tế, các hoạt động du lịch nội địa cũng đồng thời tăng trưởng mạnh mẽ. Những ngày nghỉ, ngày lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4-1/5 là hai dịp có sự “bùng nổ” về du lịch. Người dân và du khách đã có niềm tin trở lại, đã “phá băng” được tâm lý e dè, lo sợ, ngại ngần khi đi du lịch. Đồng thời với những khuyến nghị, hướng dẫn của cơ quan chức năng về y tế, du lịch… khách du lịch đã yên tâm trở lại với hoạt động du lịch. Du lịch đã hoạt động bình thường như trước khi có dịch.
Đối với khách quốc tế, sự quay trở lại thể hiện từng bước qua các lộ trình, giai đoạn thí điểm vào tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Mọi sự chuẩn bị cho du lịch mở cửa đều được thực hiện kỹ càng. Vì vậy, sau ngày 15/3, lượng khách quốc tế đã tăng mạnh trở lại.
Đến tháng 4/2022, khách quốc tế đã đạt gần 100.000 lượt (giai đoạn thí điểm chỉ đạt 10.000 lượt). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 bằng cả 3 tháng 1, 2 ,3 cộng lại.
Trong tháng 5/2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 136.000 lượt, tăng 67% so với tháng 4. Lượng khách quốc tế tăng về số lượng chưa phải là nhiều nhưng đã cho thấy tín hiệu rất tích cực, niềm tin của du khách cũng như độ mở, độ thuận tiện của du lịch Việt Nam rất tốt.
Sau ngày 15/3, Chính phủ đã phục hồi các chính sách về thị thực (visa) như trước dịch. Chính sách miễn thị thực đơn phương, song phương cũng như các điều kiện về kiểm dịch y tế được thông báo khẩn trương, công khai, đầy đủ.
Đến ngày 15/5/2022, chúng ta không còn thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với khách du lịch. Các phương án mở lại du lịch đã trở lại bình thường. Như vậy hoạt động du lịch đã phục hồi đầy đủ, các dịch vụ du lịch đã mở lại toàn diện, các điểm du lịch tấp nập du khách, nhất là vào ngày lễ, ngày nghỉ.
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, khách du lịch đã có những kinh nghiệm rất tốt trong việc bảo đảm du lịch an toàn. Hoạt động du lịch đi vào chiều sâu hơn so với trước dịch. Những ngày lễ mặc dù khách tập trung đông nhưng không xảy ra sự cố như trước đây vì khách du lịch có nhiều kinh nghiệm, cẩn trọng lên kế hoạch đi du lịch an toàn.
Những người làm du lịch cũng chuẩn bị kỹ, tất cả hoạt động cung cấp dịch vụ bài bản hơn, được kiểm soát hơn, không để xảy ra sự cố do quá tải trong thời điểm ngày lễ. Từ đó cho thấy cả về phía người làm du lịch và khách du lịch đã có những bài học kinh nghiệm để đi du lịch một cách an toàn, hiệu quả.
Du lịch Việt Nam được đánh giá cao với nhiều điểm cộng
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019 và nằm trong số 3 quốc gia có mức độ tăng cao nhất thế giới. Theo ông, cơ sở nào để WEF đưa ra đánh giá về năng lực phát triển du lịch như vậy?
Ông Hà Văn Siêu: Trước đây, WFE đã đưa ra chỉ số về năng lực cạnh tranh, từ năm 2022 WFE đưa ra chỉ số về năng lực phát triển. Đây là bộ chỉ số kế thừa bộ chỉ số năng lực cạnh tranh và có quy đổi. Trong báo cáo năm 2022, Việt Nam đạt 4,7 điểm, xếp thứ 52; so với báo cáo quy đổi năm 2019 Việt Nam đã tăng 8 bậc và nằm trong 3 quốc gia có chỉ số cải thiện mạnh nhất.. Đó là tín hiệu tích cực, khả quan khi du lịch Việt Nam đã cải thiện rất nhiều không chỉ sau dịch bệnh mà sau cả quá trình phát triển dài.
Du lịch Việt Nam trở lại với diện mạo mới, tâm thế mới, có sự chuẩn bị chu đáo cả về đầu tư nguồn lực và những chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Sức ảnh hưởng của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế đã tác động tích cực đối với du lịch Việt Nam. Mới đây nhất, sự kiện SEA Games 31 được Việt Nam tổ chức sau 2 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã thành công rực rỡ. Sự ổn định về chính trị, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, sức sống của nền kinh tế đã tạo nên sức hút của du lịch Việt Nam mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, xã hội… Qua đó, hình ảnh Việt Nam khắc ghi ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế.
Nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam mở cửa trở lại với sự chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng sức hấp dẫn của điểm đến cũng như sự thân thiện, mến khách, chu đáo của con người Việt Nam… là những điểm cộng giúp cho du lịch Việt Nam luôn được đánh giá rất cao từ các tổ chức chuyên ngành đến khách du lịch trên toàn thế giới.
Đánh giá của WEF rất khách quan, khoa học và có uy tín rất lớn, giúp ngành du lịch Việt Nam có niềm tin, sự động viên, khích lệ. Qua đó tạo động lực cho những người làm du lịch cùng nỗ lực đưa ngành du lịch phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Chỉ số đánh giá của WEF thể hiện sự tiến bộ rõ rệt, sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam không chỉ sau COVID-19 mà còn là sự tiến bộ liên tục của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Sự tiến bộ này thể hiện cả ở góc độ chính sách tạo điều kiện cho ngành du lịch, sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành du lịch, coi ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương.
Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng tạo ra sức mạnh lớn để các điểm đến của du lịch Việt Nam có diện mạo mới. Tất cả những nỗ lực của toàn ngành đã hội tụ lại làm cho năng lực của điểm đến du lịch Việt Nam ngày càng lớn mạnh cũng như chất lượng của du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Việt Nam đã có những danh hiệu của các tổ chức giải thưởng du lịch toàn cầu như: Điểm đến du lịch châu Á 4 năm liền, điểm đến golf tốt nhất châu Á, điểm đến hàng đầu về di sản, điểm đến hàng đầu về ẩm thực…
Những danh hiệu đó là sự ghi nhận, đánh giá rất khách quan từ bên ngoài đối với du lịch Việt Nam. Từ những tiêu chí đó mới ra được chỉ số năng lực phát triển về du lịch Việt Nam mà WEF vừa công bố. Sự ghi nhận của thế giới đã tạo niềm tin, sự tự tin cho ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển du lịch bền vững
Chúng ta đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới về phát triển du lịch bền vững. Theo ông, thế mạnh và điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay là gì và làm thế nào để phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu đó?
Ông Hà Văn Siêu: Thế mạnh của du lịch Việt Nam chính là văn hóa, con người Việt Nam. Con người Việt Nam cần cù, cởi mở, có khát vọng phát triển, mong muốn vươn lên, làm giàu. Người Việt Nam luôn hiếu khách, giang rộng vòng tay chào đón tất cả bạn bè, khách du lịch trên thế giới.
Việt Nam cũng là dân tộc có nền văn hóa lớn và lâu đời, có bản sắc riêng. Nền văn hóa đó được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử. Mặc dù vậy, chúng ta không tự cao tự đại mà luôn bao dung, gần gũi, thân thiện và cởi mở với bạn bè. Đây là điều mà Việt Nam luôn tạo được ấn tượng và khiến du khách nước ngoài cảm thấy thú vị, hấp dẫn để tìm hiểu và muốn đến Việt Nam để trải nghiệm.
Mặc khác, thế mạnh của chúng ta hiện nay chính là hướng đi lên của đất nước. Vị thế của Việt Nam ngày càng đi lên, như ngôi sao đang tỏa sáng. Du lịch Việt Nam đã tận dụng cơ hội đó. Đơn cử SEA Games 31 vừa qua được tổ chức tại Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách quốc tế bởi sự chu đáo, niềm nở, hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.
Thế mạnh của Việt Nam còn được thể hiện ở ẩm thực phong phú, lễ hội đa dạng, cuộc sống sinh hoạt cộng đồng giàu bản sắc với nét riêng của từng vùng, miền trải dài trên khắp dải đất hình chữ S…
Tuy nhiên, chúng ta cũng có những bất cập cần phải khắc phục. Đó là sự rời rạc, thiếu liên kết, thiếu tự tin trong việc huy động, sử dụng nguồn lực; tầm nhìn còn bị bó buộc…
Chúng ta cứ rụt rè, từng bước làm rồi lại điều chỉnh nên hiệu quả không cao, không dám mạnh dạn để làm như việc vừa nâng cấp hạ tầng đã quá tải.
Tương tự, những khu du lịch không tạo được điểm nhấn, còn làm nửa vời. Điều đó dẫn đến du khách không thể lưu trú dài hơn để trải nghiệm vì chỉ đến nửa chừng là không thấy hấp dẫn. Đó chính là việc nuôi dưỡng cảm xúc, trải nghiệm không giữ được chân du khách lâu hơn.
Từ đó cho thấy sự thiếu niềm tin giữa các đối tác liên kết với nhau. Thiếu niềm tin sẽ làm cho ai biết người ấy, không có sự vào cuộc đồng bộ, không tạo được sức mạnh tổng hợp. Mặc khác, sự sáng tạo tập thể để cùng tạo ra những giá trị lớn, những công trình tầm vóc có giá trị lâu dài mà hiện nay chúng ta chưa có được như các nước trên thế giới… còn hạn chế.
Do đó, chúng ta phục hồi và phát triển du lịch phải bảo đảm môi trường an toàn và phát triển bền vững; phải đổi mới và khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, chủ động sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới…
Diệp Anh (thực hiện)