GD&TĐ – Điều kiện được công nhận văn bằng do nước ngoài cung cấp; Mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông – là những chính sách giáo dục nổi bật, chính thức có hiệu lực từ tháng 6/2021.Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Điều kiện công nhận văn bằng nước ngoài
Đây là nội dung được thể hiện tại Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam. Thông tư này thay thế Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT, Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.
Theo Thông tư, văn bằng do các trường ở nước ngoài cấp được công nhận tại Việt Nam nếu chương trình học có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau:
Chương trình học đã được kiểm định chất lượng giáo dục tương ứng với hình thức đào tạo; Trường được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng…
Thủ tục công nhận văn bằng do nước ngoài cấp được thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT. Đồng thời, cần gửi thêm các loại giấy tờ sau để minh chứng để xác thực văn bằng:
Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt và bản sao văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp;
Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.
Thời gian trả kết quả là 20 ngày làm việc, hoặc tối đa 45 ngày làm việc trong trường hợp cần xác minh.
Các trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài được quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT bao gồm:
Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm ngày 1/7/2019.
Quy định mức chi thẩm định SGK giáo dục phổ thông
Thông tư 29/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 15/6/2021.
Theo đó, nội dung và mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau:
Chi tổ chức thẩm định sách giáo khoa: Chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có)…: Theo thực tế phát sinh.
Chi giải khát giữa giờ: Áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017.
Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ dành cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định (trong trường hợp không có điều kiện bố trí mà phải đi thuê): Theo mức chi tại Thông tư 40/2017.
Chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định: Chi phù hợp với phụ cấp lưu trú được quy định tại Thông tư 40/2017 và văn bản hướng dẫn Thông tư 40/2017.
Chi tiền công họp thẩm định: Đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định: tối đa 200.000 đồng/người/buổi; Đối với Phó Chủ tịch, ủy viên, Thư ký Hội đồng thẩm định: tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định: Tối đa 50.000 đồng/người/tiết.
Chi tiền công chuyên gia: Mức chi tiền công xin ý kiến chuyên gia tối đa 50.000 đồng/tiết/cá nhân (cơ quan, đơn vị, tổ chức).