(Thương gia và Thị trường) – Hòa cùng dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử, ngành Tài nguyên – Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giám sát.
Chủ trương chuyển đổi số ngành Tài nguyên- Môi trường đến năm 2025
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo nội dung Chương trình, mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hoá, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…
Mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước. 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với cổng Dịch vụ công quốc gia. 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính… Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo vệ chủ quyền quốc gia về dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương đã thực hiện quản lý, điều hành trên phương thức quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Nắm bắt chủ trương của Chính phủ, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh luôn tạo thế chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong: quản lý, khai tác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát tiển đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dân; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Những năm gần đây ngành nhận được sự quan tâm lớn của Bộ TNMT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho thực hiện các dự án, chương trình số hóa trong lĩnh vực TNMT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan. Trong đó, nổi bật xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số…
Những trụ cột trong chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thời gian qua
Về hạ tầng kỹ thuật: Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đã được đầu tư cơ bản để vận hành các hệ thống thông tin ổn định, thông suốt như: Hệ thống tường lửa (Firewall), triển khai hệ thống phát hiện truy nhập trái phép (IDS/IPS) được trang bị đầy đủ phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng đơn vị. Hệ thống máy chủ của Sở và các đơn vị trực thuộc là 27 máy chủ vận hành và 2 đường truyền tốc độ cao phục vụ truy cập nhanh chóng, kịp thời các ứng dụng phần mềm trong Sở và các đơn vị trực thuộc hoạt động ổn định. Đối với các đơn vị đã trang bị máy chủ đều bố trí phòng máy chủ, có trang bị hệ thống máy lạnh, đường điện riêng, bộ lưu điện đảm bảo máy chủ hoạt động liên tục 24/7. Đã trang bị hệ thống diệt sâu máy tính/mã độc (virus/malware) tập trung Kaspersky Endpoint Center và thiết bị tường lửa bảo vệ mặt trong (Sophos XG210). Đảm bảo 100% máy trạm và máy chủ được trang bị phần mềm diệt virus.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho nội bộ:100% CBCCVCNLĐ chỉ đạo, điều hành và thực hiện công việc qua phần mềm quản lý văn bản, hộp thư điện tử công vụ, phần mềm 1 cửa điện tử liên thông và các phần mềm chuyên ngành. 100% văn bản đến, điều hành được xử lý kịp thời, không tồn đọng. Tổng số văn bản đi qua phần mềm quản lý văn bản của Sở trong năm 2020 là 11.249 văn bản trong đó số văn bản đi (trừ văn bản mật) trao đổi với các đơn vị khác trong Tỉnh được gửi dưới dạng điện tử là 11.121 văn bản đạt tỷ lệ 98,86%.
Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: Nhằm hướng đến mục tiêu chính phủ điện tử phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của ngành , các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cập nhật thường xuyên và tiếp tục hoạt động có hiệu quả như: Trang thông tin điện tử của Sở cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai liên thông phần mềm Quản lý Cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương (Vilis) và phần mềm Một cửa; liên thông giữa phần mềm Vilis và phần mềm thuế của Tổng Cục thuế, phần mềm cung cấp thông tin giá đất, phần mềm cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất, phần mềm quản lý và khai thác tài liệu lưu trữ.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ, của Bộ và UBND tỉnh, đảm bảo về tiến độ cung cấp các thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang cung cấp 57/87 thủ tục hành chính mức 3, 4. Trong đó 50 thủ tục mức 4 và 7 thủ tục mức 3 thuộc các lĩnh vực Môi trường, Tài nguyên nước, Khoáng sản và Cung cấp thông tin lưu trữ, đất đai.
Nhân lực công nghệ thông tin: Để quản lý các ứng dụng và hạ tầng kỹ thuật, Sở có đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin có chức năng tham mưu, xây dựng, triển khai các ứng dụng trong toàn Sở, với 06 CBVCNLĐ có trình độ công nghệ thông tin từ đại học trở lên đảm bảo đầy đủ các kỹ năng chẩn đoán, bảo trì, vận hành, khắc phục tốt các sự cố xảy ra trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở. Các đơn vị thuộc Sở đều có cán bộ có trình độ công nghệ thông tin, đối với các đơn vị sử dụng nhiều ứng dụng trực tuyến và quản trị cơ sở dữ liệu lớn đều có cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đại học về công nghệ thông tin.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi số ngành Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã góp phần tích cực, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo ngành, đổi mới toàn diện Ngành tài nguyên và môi trường, áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Tiếp nối những thành công đã đạt được đó, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chương trình chuyển đổi số ngành TN&MT; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT theo Chương trình, kế hoạch công tác; đồng thời bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống ứng dụng CNTT tài nguyên và môi trường.
Nguyễn Xuân Thống