Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIÊU ĐIỂMĐể mùa Phật đản an lành trong làn sóng dịch COVID-19

Để mùa Phật đản an lành trong làn sóng dịch COVID-19

Cứ vào mỗi độ trăng tròn tháng Tư âm lịch, những người con Phật lại hướng tâm về đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh.

Chùa Quán Sứ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: TTXVN).

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, tăng, ni, phật tử trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đón mùa Phật đản không trọn vẹn khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở trong nước với làn sóng thứ tư, và ở nơi khởi nguồn của đạo Phật là Ấn Độ thì ịch đang gây biết bao đau thương, mất mát, làm đau lòng những người con Phật.

Trong thông điệp đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắn nhủ, trong thế giới biến động ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng về dịch bệnh, về môi trường, biến đổi khí hậu, và xung đột ở khắp nơi trên thế giới. Hơn bao giờ hết, nhân loại cần đón nhận năng lượng niềm tin nơi kho tàng giáo lý vi diệu của Đức Phật. Chỉ khi đó, chúng ta mới vượt qua những thách thức khủng hoảng này.

“Dựa trên học thuyết về nguyên lý duyên sinh giúp mọi người nhận ra rằng tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân của các khủng hoảng và tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau. Do đó, chúng ta phải chung tay làm việc cùng nhau trong việc giải quyết những thách thức khôn lường đang diễn ra hằng ngày. Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung”, Thông điệp nêu rõ.

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các quốc gia ngồi lại với nhau, hợp tác tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chia sẻ bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19, không có sự phân biệt. Mọi người phải nêu cao sự đồng thuận, đoàn kết chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội vượt qua đại dịch, ổn định đời sống, và phát triển đất nước.

Đại lễ Vesak Phật lịch 2565 với ba sự kiện lớn kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn là dịp để ôn lại những dấu son trong cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật, nhắc nhở mỗi người con Phật hãy thực tập giáo pháp và đem giáo pháp vào đời, giúp cuộc đời chuyển hóa đem lại hạnh phúc, an lạc và lợi ích cho nhân loại.

Theo Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Phật hiện thân ra đời vì lợi ích, hạnh phúc cho số đông. Không chỉ thường trụ ở cõi đời này để giáo hóa chúng sinh mà Đức Phật còn hiện hữu hàng ngày làm lợi ích cho chúng sinh. Cuộc đời lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hình ảnh chân xác chỉ ra con đường diệt khổ, lan tỏa tình yêu thương và ánh sáng hòa bình khắp mọi hành tinh.

Ngày Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ cổ đại (nay là Nepal) cách đây 2.645 năm về trước. Đó là thời khắc trăng tròn tỏ rạng. “Ngài là bậc đạo sư giác ngộ tỏa ánh sáng năng lượng xóa tan màn vô minh của xã hội phân hóa giai cấp, giàu nghèo và bất công mà căn nguyên bởi tại lòng tham, sân, si của con người. Chỉ có Đức Phật đã vượt qua ý thức về bản ngã”, diễn văn Phật đản Phật lịch 2565 của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh.

Đức Phật là sứ giả của chân lý về từ bi và trí tuệ. Tổ chức đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng đối với những người đi theo dấu chân Đức Phật, để tưởng niệm, nhắc nhớ cuộc đời và những thông điệp vượt thời gian, không gian của Ngài, để thực hiện những lời Phật dạy, mang đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước và hòa bình cho nhân loại.

Đại lễ Phật đản – Vesak càng ý nghĩa hơn khi vào những ngày tháng 5 lịch sử này, khi Liên hợp quốc tổ chức Vesak nhằm phát đi thông điệp về bất bạo động và phụng sự tha nhân. Đây là thông điệp vô cùng ý nghĩa, khi sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng trong xã hội đang ngày càng gia tăng. Trong thảm họa của đại dịch COVID-19, thế giới thực hiện giãn cách xã hội, Liên hợp quốc đã tổ chức kính mừng đại lễ Vesak bằng hình thức trực tuyến kết nối nhiều quốc gia, với tinh thần dù là phật tử hay không là phật tử, mọi người cùng suy ngẫm về cuộc đời Đức Phật nhằm tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy minh triết của Ngài, để thế giới luôn luôn bình đẳng và phát triển bền vững.

Đại lễ Phật đản năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2021), đặc biệt là vào dịp diễn ra ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn những người con Phật cùng nhau thực hiện lý tưởng và lời dạy của Đức Phật, nỗ lực tu tập, trau dồi vượt lên trên sự cám dỗ của vật chất, hóa giải nghiệp chướng; thể hiện là một sứ giả hòa bình, cùng nhau chung sống hòa hợp trên nền tảng từ, bi, hỷ, xả, thực hiện một đời sống đạo đức vị tha, kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc. Các cấp Giáo hội, các địa phương cần có nhiều hoạt động Phật sự sáng tạo, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tích cực hưởng ứng Ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rực rỡ.

Người dân và Phật tử vái vọng bên ngoài chùa Quán Sứ. (Ảnh: TTXVN).

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Giáo hội đã yêu cầu tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.

Tại các tỉnh, thành phố đã có các ca mắc COVID-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng thì các chùa, cơ sở tự viện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.

Tại các tỉnh, thành phố chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 thì các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Trong trường hợp thật sự cần thiết khi được chính quyền cho phép thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, Thông điệp 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vaccine phòng dịch.

Công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản 2565, An cư kết hạ và Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện (2021-2026) của các địa phương đều phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế và thực hiện theo quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền địa phương.

Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc không để xảy ra các tình trạng tập trung đông người. Đặc biệt, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, điểm mới trong chỉ đạo của Giáo hội lần này là trụ trì các chùa sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra các tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới./.

Chu Thanh Vân(TTXVN)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments