Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách: “Lịch sử Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – Mười năm hoạt động” do PGS,TS Đàm Đức Vượng Chủ biên.
Đây là một cuốn sách mang tính tổng kết về xây dựng nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài của một viện nghiên cứu khoa học ngoài công lập. Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (Institute of Scientific Studie for Talent – Human resources – ISSTH) thành lập ngày 17-11-2006, theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trải qua 10 năm hoạt động, Viện đã có nhiều đóng góp quý về xây dựng một hệ thống cơ cấu về nhân lực và nhân tài, thể hiện ở những công trình nghiên cứu, ở 2 đề tài cấp nhà nước và 2 đề tài cấp quốc tế, ở 19 cuốn sách đã được xuất bản, có giá trị lý luận – thực tiễn, ở 252 báo cáo khoa học và chuyên đề khoa học, ở 700 bài nghiên cứu về con người. Với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh những nhân tài, qua 10 năm hoạt động, các nhà khoa học của Viện đã tạo ra những sản phẩm khoa học xoay quanh vấn đề con người và cuộc sống hiện nay, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước.
Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thư gửi Viện, ngày 1-1-2007: “Tôi hoan nghênh Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực được thành lập. Tôi chúc các nhà khoa học, các cán bộ, nhân viên của Viện đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, góp phần nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Viện đã tập hợp được các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để thực hiện nghiên cứu những vấn đề cơ bản về con người, xây dựng và cung cấp những luận cứ khoa học nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tài năng sáng tạo của trí thức vào hoạt động nghiên cứu và thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Kết quả nghiên cứu suốt 10 năm về nhân tài nhân lực, Viện đã tổng kết những giải pháp mang tính khoa học, xác định nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Trên cơ sở đó mà đề nghị mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn xã hội về phát triển nhân lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát động phong trào thi đua yêu nước nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực và nguồn nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng chuyên gia, tham mưu, kỹ sư, tổng công trình sư, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, nhà phát minh, gọi chung là những nhân tài; chính sách về xây dựng môi trường nhân tài, điều kiện, phương tiền làm việc; chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội,… và tổ chức thực hiện tốt những chính sách đó.
Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực và tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhân lực. Đổi mới phương pháp giáo dục, quản lý nhân lực, thấu tình đạt lý, nhìn rõ đúng sai, kịp thời rút kinh nghiệm về quản lý nhân lực. Tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành các cấp, địa phương và cả nước; bảo đảm cân đối cung cầu nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi cả nước và trong từng ngành từng cấp. Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng chuyên sâu và hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội; thực hiện đúng yêu cầu học để làm việc, giúp nước, giúp dân; xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng đào tạo đến đâu sử dụng đến đó; đào tạo theo chiều sâu, thay cho đào tạo dàn trải; cân đối cung cầu trong đào tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ thuận và khắc phục tỷ lệ nghịch trong đào tạo và sử dụng.
Bảo đảm và huy động nguồn vốn cho phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Tập trung xây dựng con người toàn diện. Con người là một đề tài cũ, vấn đề đặt ra là phải biết khai thác những vấn đề mới trong một đề tài cũ. Con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay là con người của phẩm chất, lương tâm, danh dự, con người đầy ắp tình thương và vì tình thương; nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người bằng việc phải tính đến chất lượng sinh con. Khi đã có con người chất lượng, thì phải tính đến chất lượng cuộc sống. Trong khi xây dựng con người mới, cần phải cảnh giác với những phần tử cơ hội, vi phạm đạo làm quan, quen sống “hai mặt”, “bốn mặt”, quen thói xu nịnh tầm thường mà quên đi sự rèn luyện phẩm chất, nhân cách, sự học tập để trở thành nhân tài. Phải có cả một hệ thống cơ chế thật thông thoáng để khai thác, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Đó là cơ chế tự chủ, tự hành động, vượt qua tất cả rào cản để tiến nhanh trên con đường nhân tài.
Nhân tài trong thời đại ngày nay được quy tụ trong công thức “4 S” (sức khỏe; sức nghiên cứu, học tập; sức chịu đựng; sức làm việc). Người đó phải là người “3 giỏi”: trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi; tin học giỏi; ngoài ngữ giỏi. Muốn chọn được nhân tài, thì người lãnh đạo phải tuyển chọn người một cách đàng hoàng, thông thoáng; hiểu người phải rất chuẩn mực; dùng người phải phù hợp với khả năng công tác; ngăn chặn có hiệu quả những phần tử cơ hội, tổ chất thấp vào trong hàng ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Nắm chắc đầu vào và bố trí đúng đầu ra. Lịch sử loài người đã chứng minh một chân lý: nếu người trị vì đất nước không dùng được người tài, thì nền chính trị của đất nước ấy trước sau cũng sẽ bị tiêu vong.
Thực tế đã chứng minh về các ông vua: “Vua kém dùng tài năng của mình Vua trung bình dùng sức của người Vua giỏi dùng trí tuệ của người Thuật dùng người vua chớ xem khinh”1. Muốn đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, chúng ta không thể thổi “tiếng kèn ngập ngừng” về phát triển nhân lực và nguồn nhân lực, mà phải thổi “tiếng kèn tiến lên”, quyết tâm phấn đấu, chung tay, chung sức cùng làm, có như vậy, chỉ số nhân lực và nguồn nhân lực của Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Đó là những nội dung cơ bản trong cuốn sách “Lịch sử Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – Mười năm hoạt động”.
PGS,TS Đàm Đức Vượng