NDĐT – Tròn một tháng kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ đã có ứng phó linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, từ lấy việc khoanh vùng dập dịch là phương thức chủ yếu sang phương thức tăng cường vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất của đại dịch đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam là chỉ trong hai tuần đầu tháng 5, cán cân thương mại đã đảo chiều từ trạng thái xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm sang nhập siêu 353 triệu USD, tính đến ngày 15-5.
Đáng lo ngại, làn sóng dịch lần Covid-19 đã “tấn công” vào các khu công nghiệp (KCN) khiến tình trạng lây nhiễm lan nhanh trong lực lượng lao động ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giảm thiểu tác động tiêu cực đến tăng trưởng
Sau thời gian tạm đóng cửa bốn (KCN) trên địa bàn để tập trung chống dịch, UBND tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đưa 8 doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần. Để nối lại hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp này phải đáp ứng các tiêu chuẩn Bộ Y tế về việc phòng chống dịch tại các cơ quan, xí nghiệp và các KCN.
Đồng thời, sắp xếp chỗ ăn ở cho công nhân tại nơi sản xuất, ký túc xá cách ly riêng biệt với bên ngoài. Hoàn thiện hồ sơ trình Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thẩm định, phê duyệt và phải đón đủ số công nhân được phép quay lại nhà máy theo quy định ở giai đoạn đầu vừa sản xuất vừa chống dịch.
Công nhân đi làm trong giai đoạn này phải có hai lần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 liên tiếp, trong đó lần gần nhất là trước khi được xác nhận cho đi làm việc tại doanh nghiệp một ngày.
Đánh giá về tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư đến hoạt động sản xuất của Bắc Giang nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Nhìn từ con số thống kê sẽ tác động không nhiều đến nền kinh tế. Vì đóng góp tăng trưởng kinh tế hiện nay đến chủ yếu từ xuất khẩu, đầu tư công, từ những doanh nghiệp quy mô lớn.
“Quyết định đóng cửa một số KCN ở Bắc Giang để khoanh vùng dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng hoạt động ở các KCN khác, ở vùng khác vẫn bình thường. Quan trọng là việc đứt đoạn sản xuất đã không diễn ra như năm ngoái. Bên cạnh đó, ứng phó với dịch bệnh của đa phần doanh nghiệp đã tốt hơn, chủ động hơn”, PGS. TS Phạm Thế Anh lý giải.
Ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch lần này là tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, đến an sinh xã hội và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở khu vực phong tỏa hoặc giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, thực tế đóng góp vào GDP của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không lớn nên GDP không bị ảnh hưởng nhiều trước tác động của đại dịch. Song thu nhập của người dân sẽ giảm đi, đời sống khó khăn hơn vì sức chống chịu giảm dần sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19.
Th.S Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, đợt bùng phát thứ tư có nhiều tác động phức tạp, bất lợi đối với nền kinh tế. Nhưng các bộ, ngành, địa phương đã có kinh nghiệm để tổ chức chống dịch tốt hơn, chỉ thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại ở từng khu vực nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế.
Chỉ đạo của Chính phủ vẫn kiên định hướng tới “mục tiêu kép”, khẩn trương, nhanh chóng kiểm soát dịch, cân nhắc các biện pháp bảo đảm hài hòa, giữ không gian cho sản xuất kinh doanh, tránh gây tác động lớn đến nền kinh tế.
“Từ kinh nghiệm điều hành ba lần bùng phát dịch Covid-19 trước đây, với sự quyết liệt của Chính phủ thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa và sự chung tay của cả cộng đồng cùng chống dịch, tôi tin rằng sẽ sớm nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Và như vậy, kinh tế có thể phục hồi tăng trưởng ngay từ quý II”, Th.S Nguyễn Anh Dương phân tích.
Kéo dài sức chống chịu cho doanh nghiệp
PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, các chính sách hỗ trợ lúc này cần hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp kéo dài sức chống chịu trước khó khăn. Đó là giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm các chi phí tài chính liên quan đến thuê đất, thuê mặt bằng và hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí tiền công, tiền lương để không phải sa thải lao động.
Để khi hết dịch, doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất ngay. Nếu doanh nghiệp phá sản, nguồn cung sẽ ảnh hưởng khi nhu cầu tiêu thu hàng hóa tăng trở lại. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho người lao động, người dân mất việc làm, mất sinh kế do phong tỏa, giãn cách xã hội.
Mọi ưu tiên đang hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và cũng là địa bàn sản xuất công nghiệp trọng điểm của các tỉnh phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên vaccine cho hai địa phương này để tiêm cho công nhân tại các KCN; quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi được dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ của người dân và bảo đảm sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, các chính sách đã được ban hành và đang triển khai vào thực tiễn cuộc sống.
Về chính sách tài khoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đối với hoạt động đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13 về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 yêu cầu chấm dứt tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, tập trung nguồn lực cho các dự án thật sự cần thiết, có tính lan toả cao, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển đất nước.
Đây chính là sự đổi mới căn bản từ trong chính sách hỗ trợ, chuyển từ tầm nhìn ngắn hạn sang trung hạn, theo tinh thần chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ hiện nay.