(khoahocdoisong.vn) – Là một trong những người tiên phong nghiên cứu về đá quý ở Việt Nam, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt nắm rõ các mỏ đá, tài nguyên đá quý như lòng bàn tay. Trữ lượng lớn, phong phú, nhưng tài nguyên đá quý cứ mai một dần.
Thấy rất nhiều đá ruby mà không quan tâm
GS.TSKH Phan Trường Thị sinh ra ở một làng nghèo thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tập kết ra Bắc từ năm 1954, năm 1956, Phan Trường Thị may mắn là một trong những sinh viên Địa chất khoá I Đại học Bách khoa Hà Nội được lựa chọn để đào tạo theo ngành Thạch học (Khoa học về Đá). Đầu những năm 1960, ông bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và rồi trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về đá của ngành Địa chất Việt Nam.
“Chúng tôi là lớp sinh viên đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Những ngày đầu học tập chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn mọi phương tiện để học. Phần lớn các sinh viên đều chưa hình dung được học Địa chất thì phải học những môn gì. Tài liệu cũng chưa có nhiều, chỉ có một số tài liệu tiếng Pháp và sau đó là tài liệu tiếng Nga do các chuyên gia Liên Xô đưa sang như cuốn “Thạch học” của Viện sĩ Zarasitski hay “Thạch học các đá biến chất” của Harker… ”, GS.TSKH Phan Trường Thị kể.
Để bước chân vào chuyên môn Thạch học, ông phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bên cạnh việc đọc tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Nga, ông còn theo thầy Nguyễn Văn Chiển và chuyên gia về Thạch học của Liên Xô là GS Emile Petrovic Idốp đi nghiên cứu thực địa để học tập. Bên cạnh đó, ông còn tự đi học về kỹ năng sử dụng kính hiển vi phân cực. Tự học mà năm 1966, Phan Trường Thị hoàn thành và xuất bản cuốn giáo trình “Quang tinh học” – là cuốn giáo trình đầu tiên dạy cho sinh viên các nguyên lý và cách sử dụng kính hiển vi phân cực trong nghiên cứu địa chất.
Sau đó là những chuyến đi thực địa, nghiên cứu kéo dài đến 3 – 4 tháng. Kết quả của những chuyến đi nghiên cứu ở Nghệ An là hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở đây. GS Phan Trường Thị còn phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Tây Nghệ An, đây là phát hiện đầu tiên về cấu trúc này ở Việt Nam và đến năm 1981, khi làm luận án Tiến sĩ, ông đã đưa phát hiện này vào phân loại cấu trúc địa chất để bảo vệ luận án.
Ông nhớ lại những chuyến đi: “Đoàn chúng tôi đi thực địa đã phát hiện ra nhiều mỏ thiếc, vàng, quặng, sắt, nhôm. Lúc đó cũng thấy rất nhiều loại đá quý, trong đó có nhiều đá ruby. Nhưng thời điểm đó chưa biết giá trị của các đá này nên không quan tâm. Với lại nghiên cứu địa chất thời bao cấp, đi nghiên cứu khoa học thì không quan tâm đến những vấn đề kinh tế khác, chỉ tập trung tìm các mỏ sắt, thiếc, nhôm, quặng để phục vụ công nghiệp nặng và phục vụ kháng chiến”.
Qua nghiên cứu một số loại đá, ông phát hiện một số trường hợp có độ phóng xạ khác thường. Đó là cơ sở để sau này ông tham gia thực hiện Chương trình nghiên cứu nguồn năng lượng phóng xạ ở Việt Nam do Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia đưa ra. GS.TSKH Phan Trường Thị đề xuất chuyển hướng nghiên cứu thăm dò quặng chứa phóng xạ từ miền Bắc vào miền Trung, góp phần trong việc phát hiện ra Mỏ quặng chứa phóng xạ Tiên An và đặc biệt là mỏ Nông Sơn (đều ở Quảng Nam) – mỏ quặng chứa phóng xạ lớn nhất khu vực.
Tự bỏ tiền lập phòng kiểm định tư nhân
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, tình trạng “chảy máu” hồng ngọc sang Thái Lan rất phức tạp. Nhiều viên ngọc trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD rơi vào tay các tiệm kim hoàn nhỏ ở Thái Lan với giá có khi chỉ bằng một phần mười. Những tay kiểm ngọc thời đó hầu hết chỉ phán theo kinh nghiệm, có thể sẵn sàng nâng hay hạ giá trị ngọc nếu gặp khách hàng lớ ngớ. Đánh giá đá quý thực ra cũng phải có kiến thức căn bản về địa chất. Ở Việt Nam, đã có những người bỏ hơn chục nghìn USD để học một khóa học kiểm ngọc ba tháng, sáu tháng ở Mỹ. Nhưng không có kiến thức cơ bản thì không thể nắm được hết những tinh tế của ngành này. Việc giám định ngọc vẫn được trân trọng gọi là “biện ngọc”, ngày nay thì gọi là “kiểm ngọc”. Còn giám định kim cương, đá quý theo phương pháp khoa học và bằng các thiết bị hiện đại được gọi là “ngọc học” (gemology).
Để khắc phục điều này, ông tự mình lập ra phòng kiểm định đá quý Vlab. Đây là phòng kiểm định đá quý đầu tiên ở Việt Nam được công nhận bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Từ khi có phòng kiểm định này, hàng chục nghìn mẫu đá quý đã được định danh chất lượng, khắc phục tình trạng mập mờ “đánh lận con đen” ở thị trường đá quý khi đó. Khi giấy phép của phòng kiểm định hết hạn thì ông chuyển sang lập Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt. Ban đầu, Viện thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam và được Bộ KH&CN cấp giấy phép hoạt động từ năm 2000, song thiết bị thí nghiệm của Viện đều do GS.TSKH Phan Trường Thị bỏ tiền mua: Từ kính hiển vi ngọc học có lắp cáp quang, đèn chiếu tia cực tím sóng dài và sóng ngắn, quang phổ kế đến máy đo chiết suất… đều là những loại mới nhất, tổng trị giá gần 200.000USD. Đây là phòng thí nghiệm tư nhân hiếm hoi ở Việt Nam với doanh thu mỗi tháng cũng tới 20 – 30 triệu đồng. Hiện viện này trực thuộc sự quản lý của Sở KH&CN Hà Nội
Viên kim cương/đá quý sau khi qua các khâu kiểm định được bọc vào một lớp giấy bóng cứng có in mã vạch và kèm theo đó là một chứng thư kiểm định ghi các thông số xác minh của viên kim cương hay viên đá quý đó cùng với những chứng nhận pháp lý. Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thông số đã kiểm định. “Nếu chứng nhận đá giả là thật, chúng tôi sẽ phải bồi thường bằng đúng giá trị đá thật!”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Trăn trở về tài nguyên bị “chảy máu”
GS.TSKH Phan Trường Thị hiện vẫn quản lý hoạt động của Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt. Điều ông trăn trở suốt cả cuộc đời làm khoa học là tài nguyên đá quý ở Việt Nam đã không được khai thác và sử dụng đúng cách. Với trữ lượng lớn, chất lượng tốt như thế, đáng lẽ Việt Nam có thể phát triển thành một ngành công nghiệp đá quý không thua kém gì Myanmar. Trữ lượng đá quý như ruby, saphia, mã não, thạch anh… rất lớn, phân bố nhiều nơi. Thế nhưng, khâu quản lý tài nguyên còn quá yếu kém, không có chiến lược, không bài bản. Đáng lẽ phải khai thác một cách khoa học thì tài nguyên đá quý lại bị khai thác theo kiểu “hái lượm”, mạnh ai người ấy đào, mạnh ai người ấy tìm. Bởi thế, tài nguyên đá quý không đóng góp được gì cho sự phát triển chung của xã hội mà chỉ phục vụ cho mục đích làm giàu của một số người.
Ngay cả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cũng ít có sự phát triển. “Đó là thực trạng quá bi đát, quá đáng buồn, đến mức tôi không muốn nhắc tới nữa. Ngành đá quý, quá khứ, hiện tại và tương lai có thể coi như đã chết. Một vài công trình khoa học của một vài người không có khả năng đem lại sự triển vọng của cả một ngành công nghiệp – như đáng lẽ ra phải có.
Ngày nay không có nhiều người đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về thạch học để trở thành chuyên gia. Lý do đơn giản là thạch học chưa có vị trí trong thực tiễn cuộc sống hiện tại ở đất nước ta. Lớp trẻ đang chạy theo những ngành nghiên cứu ứng dụng để làm kinh tế. Các ngành nghiên cứu cơ bản như thạch học trong địa chất cũng ít dần người theo học. Một nhà khoa học không tìm được người tiếp nối trong lĩnh vực chuyên môn của mình là một nỗi buồn lớn”, GS.TSKH Phan Trường Thị trăn trở.
Tô Hội