Tái thiết đời sống cho đồng bào Tây Bắc từ những chuyến xe thiện nguyện
Dù công tác dự báo và phòng, chống được triển khai sớm, toàn diện ở nhiều địa phương, nhưng sức mạnh khủng khiếp của cơn bão số 3 – bão Yagi đã gây ra thiệt hại lớn tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, trong đó có Yên Bái và Lào Cai.
Trong hai ngày 27-28/9/2024, Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài nhân lực Việt Nam đã phối hợp cùng Tạp chí Điện tử Văn hóa Phát triển thực hiện chương trình “Hướng về đồng bào vùng bão lũ tại các tỉnh phía Bắc” tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, mang hơn 1.000 phần quà ý nghĩa đến với người dân Tây Bắc, góp phần tái thiết cuộc sống sau cơn bão số 3.
Tham gia chương trình có sự đồng hành của rất nhiều khách mời đại biểu: ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó trưởng ban thường trực Ban Công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15; Ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch Liên hợp UNESCO Châu Á Thái Bình Dương kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực Việt Nam; Sư cô Thích Nữ Diệu Trí- Ủy viên HĐTS, GHPG Việt Nam, Trụ trì Chùa Đại Giác cổ tự, Biên Hoà, Đồng Nai…
Thiếu tướng Gs,Ts Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực phát biểu tại buổi trao quà.
Chương trình nhận được sự ủng hộ bằng công sức và tiền của từ rất nhiều các chùa, thiền viện, tịnh xá cũng như các cá nhân, công ty có tấm lòng vàng như: Chùa Đại Giác Cổ Tự (Đồng Nai), Phòng khám đa khoa Đông Y Phổ Minh Đường (Cần Giuộc, Long An), Thiền Viện Duy Lực (Đồng Nai), Phòng Khám Đông Y Minh Đường (Thanh Hoá), Công ty Khoáng Sản Tân Uyên FICO (tỉnh Bình Dương), Chùa Phổ Minh (quận Gò Vấp, TP HCM)…
Quang cảnh Chương trình“Hướng về đồng bào vùng bão, lũ tại các tỉnh phía Bắc” .
Mang yêu thương đến hơn 500 hộ gia đình tỉnh Yên Bái
Tròn một tháng sau cơn bão số 3, thiệt hại nặng nề tại hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa thể dọn dẹp hết.
Thành phố Yên Bái là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác trong chuyến đi “Hướng về đồng bào vùng bão lũ tại các tỉnh phía Bắc”. Con đường Thanh Niên giáp bờ sông Hồng vẫn còn khá nhiều bùn lầy. Người dân xóm chùa Am phải thuê xe đánh bùn chuyển đi chỗ khác. Rạp Hồng Hà, thư viện thành phố Yên Bái… vẫn không có điện, đồ đạc hư hỏng để ngổn ngang. Phía xa hơn, bến Âu Lâu hoang tàn trong một đống lầy.
Tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái, đoàn công tác đã trao 150 phần quà ý nghĩa cho bà con khắp các phường: Đồng Tâm, Hồng Hà, Minh Tân, Nam Cường, Nguyễn Phúc… và các xã ngoại thành như Âu Lâu, Văn Phú, Tân Thịnh… Mỗi phần quà bao gồm 500 nghìn đồng tiền mặt trao tay và các nhu yếu phẩm: 10kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, một bộ xoong nồi, quần áo mới, thuốc cơ bản… Ông Trần Phượng – Uỷ viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Yên Bái thay mặt người dân vùng bão lũ gửi lời cảm ơn đoàn công tác và chia sẻ: “Sau cơn bão số 3, thành phố Yên Bái nói riêng cũng như tỉnh Yên Bái nói chung đã nhận được rất nhiều tình cảm trân quý của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, nhà tài trợ… khắp ba miền Tổ quốc. Tấm lòng của người dân tỉnh xa đã góp phần giúp Yên Bái khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, nỗ lực ổn định cuộc sống”.
Địa điểm dừng chân tiếp theo của Đoàn công tác là xã Quy Mông (huyện Yên Trấn, Yên Bái), xã Xuân Ái và xã Tân Hợp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Nhà báo Lê Thị Tuyết Hà – Chủ tịch HĐQL Viện trao quà cho bà con vũng lũ.
Anh Đào Như Nở, Bí thư đoàn xã Quy Mông (huyện Yên Trấn, Yên Bái) chia sẻ, toàn xã có 10 thôn, trong đó 8 thôn nằm dọc bờ sông Hồng bị ngập nặng, hơn 460 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Có những nhà, nước lũ dâng cao đến 8m, chỉ còn lại mái nhà chấp chới trong bão lũ. 100% người dân Quy Mông sản xuất nông nghiệp đứng trước nguy cơ đói ăn trong những tháng sắp tới. Chuyến xe thiện nguyện của Tạp chí Điện tử Phát triển và Văn hóa cùng ba đơn vị đồng hành khác đã mang đến những món quà ý nghĩa, động viên người dân, san sẻ bớt nỗi đau mà người dân nơi đây hứng chịu.
Tới mỗi địa phương, đoàn công tác đều nhận được sự đón tiếp cởi mở của lãnh đạo địa phương cũng như sự hỗ trợ không nhỏ từ Ủy ban mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… giúp quá trình trao quà được khẩn trương, kịp thời, đạt đúng tiến độ đã đề ra. Theo đó, tại tỉnh Yên Bái, Đoàn công tác đã ủng hộ trực tiếp 500 hộ gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3 tại thành phố Yên Bái, Trấn Yên và Văn Yên, tổng giá trị hỗ trợ hơn 500 triệu đồng.
Với những hành động hỗ trợ kịp thời từ Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực và Tạp chí Điện tử văn hóa và Phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã gửi thư cảm ơn đến đoàn công tác. Thư cảm ơn được đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao cho nhà báo Lại Đức Hồng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Phát triển – trưởng ban tổ chức chương trình tại rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Thư cảm ơn của Chủ tịch UBND Tỉnh Yên Bái trao tặng cho đoàn công tác
San sẻ khó khăn với đồng bào người dân tộc tỉnh Lào Cai
Hành trình tiếp theo của đoàn công tác là hướng về xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà) và xã Quan Hồ Thần (huyện Si Ma Cai) thuộc tỉnh Lào Cai. Đây đều là những địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống đông đúc, kinh tế khó khăn, lại vừa trải qua cơn bão số 3 với ngổn ngang nỗi đau và mất mát. Chị Liều Thị Vân, bản Hai Thâu, xã Xuân Thượng chia sẻ, sau cơn bão số 3, nhà cửa chị bị hư hỏng nặng, chị phải lánh tạm sang nhà con trai ở nhờ. Lợn, gà… đều mất trắng, người dân tộc Mông như chị chủ yếu làm nông nghiệp nên gần như trắng tay sau bão. “Mỗi chuyến xe thiện nguyện đến với Xuân Thượng như một hi vọng đến người Mông chúng tôi, giúp nhà tôi có cái ăn, có cái mặc” – chị Vân nói. Người dân đến nhận quà ai nấy đều tươi tắn và hạnh phúc khó tả, nhiều em bé, bà mẹ trẻ… được các sư cô, phật tử thương quá tặng thêm chút tiền mặt, thêm cái áo, cái kẹo… khiến không khí các nhà văn hóa nằm trên lưng chừng núi trở nên rộn ràng. Trước hoàn cảnh khó khăn của người dân tộc, các sư cô, phật tử đã tăng số tiền mặt hỗ trợ lên 900 ngàn đồng.
Tại xã Quan Hồ Thần (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), khi tận mắt chứng kiến những khó khăn vất vả của người dân tộc, chủ yếu là người Mông, Nùng, Thu Lao… đoàn công tác đã không ngần ngại tăng mức hỗ trợ tiền mặt từ 500 ngàn đồng/hộ dân (theo dự kiến ban đầu) lên 1,3 triệu đồng/hộ dân. Tại đây, 8 gia đình bị sập nhà hoàn toàn đã được tặng một bếp ga cùng 3 triệu đồng tiền mặt, Đoàn công tác cũng hỗ trợ tiền cho chính quyền sửa chữa trụ sở UBND xã Quan Hồ Thần trị giá 50 triệu đồng. Ngoài quà cho bà con, đoàn đã giao lại cho xã 100 phần quà thuốc (gồm những loại thuốc nằm trong danh mục thuốc Bộ Y tế) và 12 cái chăn, 43 hộp bánh…
Tương tự, tại xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, người dân đã nhận được số tiền mặt hỗ trợ nhiều hơn kế hoạch đề ra 500 nghìn đồng. Các nhu yếu phẩm trao đến tay người dân vẫn được đảm bảo có mì tôm, xoong nồi, quần áo mới và thuốc theo danh mục của Bộ Y tế…
Nhà báo Lại Đức Hồng- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Phát triển, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện nghiên cứu khoa học Nhân tài Nhân lực Việt Nam, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết: “Thông tin sau bão lũ được chia sẻ trên mạng xã hội rất nhiều, Ban Tổ chức phải liên hệ chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình thực tế nhằm thấu hiểu nguyện vọng của người dân vùng lũ, làm sao để trao quà đúng địa chỉ, đúng hộ dân khó khăn cần được hỗ trợ khẩn cấp”.
Ông Hồng gửi lời cảm ơn các mạnh thường quân, những cá nhân có tấm lòng vàng đã luôn đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện của Viện. Nhờ sự chung tay của các đơn vị đồng hành, nhờ những chuyến xe nghĩa tình, các tỉnh Tây Bắc là Yên Bái và Lào Cai đang dần vượt qua mất mát, xây dựng quê hương giàu đẹp và thanh bình như xưa.
Hồng Hà