Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾThúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng...

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững trước làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng mối lo đang cận kề ở phía trước, khi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng và xâm nhập vào các khu công nghiệp. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế trở nên khó khăn vì sự lây lan rất nhanh của chủng vi-rút mới. Trong bối cảnh đó, giữ nhịp tăng trưởng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước là vấn đề lớn đặt ra cho công tác điều hành những tháng cuối năm. Phóng viên Báo Nhân Dân đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế để làm rõ hơn vấn đề này.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng trưởng -0

TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Doanh nghiệp phải thích nghi hơn

Năm 2021, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chịu tác động của dịch Covid-19 đã chuyển từ ngắn hạn sang trung hạn, giúp DN dễ dàng hơn trong xây dựng kế hoạch phục hồi và sản xuất, kinh doanh khi làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát. Ðây là điểm rất khác vì năm trước, các chính sách hỗ trợ được thiết kế có thời hạn ba tháng, sau đó lại phải kéo dài thêm, khiến DN khó dự liệu. Từ tháng 4 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NÐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2021/TT- NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các DN được giữ nguyên nhóm nợ đến năm 2023 để vẫn có thể được vay vốn khi có đơn hàng mới. Ðối với các DN đang đón sự mở cửa trở lại của thị trường EU dự kiến vào tháng 7-2021 hay thị trường Mỹ thì đây là sự hỗ trợ phù hợp. Mới đây, Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025… Chúng tôi cũng đang đề xuất những cách thức để nguồn vốn đầu tư công không chỉ kích hoạt các dòng đầu tư tư nhân mà còn tạo điều kiện, tạo cơ hội cho sự lớn mạnh của DN Việt Nam.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài, các DN, dù không ở trong vùng dịch cũng phải chủ động tìm kiếm cách thức, giải pháp tổ chức sản xuất mới; thay đổi quản trị DN để phù hợp tình hình mới. Khi chúng tôi cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam đối thoại với các DN thành viên, chỉ trong nửa tiếng, có DN đã lên ngay phương án tổ chức lại sản xuất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực trong trường hợp có người lao động nhiễm Covid-19. Về dài hạn và trong tổng quan chung của nền kinh tế, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng suất, tham gia các ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần để thực hiện được kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng trưởng -0

TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư:

Nghiên cứu, đề xuất ngay các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế

Với diễn biến mới nhất tại TP Hồ Chí Minh, làn sóng dịch Covid-19 lần này chưa thể dự đoán được tốc độ lây lan cũng như mức độ ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội nhưng chắc chắn sẽ tác động nặng nề đến phát triển kinh tế. Năm 2020, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì năm nay, dịch bùng phát ngay tại trung tâm sản xuất là các khu công nghiệp trong nước. Như vậy, sản lượng sản xuất công nghiệp sẽ giảm, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo – động lực dẫn dắt tăng trưởng, kéo theo giảm năng lực xuất khẩu của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ “mục tiêu kép” nhưng phải cụ thể hơn. Phải làm rõ kinh tế tăng trưởng như thế nào, vẫn giữ mục tiêu, điều chỉnh mục tiêu hay theo tinh thần đạt được tăng trưởng tối đa có thể. Kinh tế và y tế là hai mặt không thể tách rời nhau, khống chế được dịch thì mới có thể có kết quả kinh tế khả quan. Chính phủ cần giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế, trình Chính phủ cuối tháng 6, đầu tháng 7-2021.

Theo tôi, ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng bằng cách nào trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ chắc chắn phải tăng lên? Do đó cần có sự tính toán, phối hợp giữa nhiều chính sách để lập kế hoạch cụ thể, như tăng chi tiêu công thì bội chi chấp nhận ở mức nào, lạm phát mục tiêu có thay đổi không? Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, cần thúc đẩy đầu tư trong nước thông qua thiết kế gói kích thích đầu tư hướng vào những mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo, kinh tế số… là những ngành, lĩnh vực kinh tế mới xuất hiện và được thúc đẩy bởi dịch Covid-19. Phải có đầu mối rà soát các ngành nghề này hiện có vướng mắc gì trong thực thi chính sách hay không, cần thêm chính sách gì, nhất là những ưu đãi về tín dụng, đất đai hoặc chính sách thuế… để kịp thời có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung. Các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này phải có trọng tâm, trọng điểm, thay vì chỉ nói hỗ trợ chung chung. Ðó là tập trung nguồn lực hỗ trợ các trung tâm kinh tế, vùng động lực tăng trưởng, những khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng trưởng -0

PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân:

Tận dụng lợi thế khi các thị trường lớn đang trở lại

Ðợt dịch lần này phức tạp hơn những lần trước, nhưng cách ứng phó của Chính phủ hiện nay là phù hợp tình hình thực tế, không ảnh hưởng quá nặng nề tới các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân. Hoạt động sản xuất công nghiệp ở tâm dịch là Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nhưng cả nước đã không để xảy ra đứt đoạn sản xuất. Ứng phó với dịch bệnh của phần lớn DN đã tốt hơn, chủ động hơn. Ðiểm cần chú ý là dịch bệnh lần này tác động nặng nề hơn đến an sinh xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất là người dân, các hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa trong khu vực phải giãn cách, cách ly. Chính sách hỗ trợ nên hướng vào bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các DN trực tiếp bị ảnh hưởng và các giải pháp dài hạn để cải thiện môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế.

Qua các chỉ số kinh tế vĩ mô năm tháng đầu năm có thể nhận thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam vẫn tương đối ổn định, thậm chí có những lợi thế hơn so với nhiều nền kinh tế, các đối tác tương đồng. Ðó là không bị đứt gãy sản xuất, tận dụng được cơ hội khi thị trường Mỹ, EU đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao do có những gói kích thích kinh tế lớn. Sự hồi phục của thị trường thế giới là điều kiện quan trọng để các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, DN xuất khẩu tận dụng cơ hội để hoạt động mạnh mẽ trở lại. Lúc này, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nêu trên triển khai nhanh các kế hoạch đầu tư, sản xuất vì đây là khu vực đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự đóng góp của những DN lớn. Cũng cần có chính sách hỗ trợ cho những DN bị mất thị trường do dịch bệnh nhằm kéo dài sức chống chịu của DN, như giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm các chi phí tài chính liên quan đến thuê đất đai, mặt bằng và hỗ trợ DN trả chi phí tiền công, tiền lương để họ không phải sa thải lao động.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trong nước để kích thích tăng trưởng -0

PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế:

Kiểm soát lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng

Chưa hết quý II nhưng đến nay đã có thể nhận thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ở mức 6,5% là vô cùng thách thức. Các giải pháp thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công cần được đẩy mạnh hơn nữa để đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, đang có tình trạng nhiều dự án, công trình phải tạm dừng thi công vì đội vốn do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Nếu không tháo gỡ được vấn đề này sẽ ảnh hưởng ngay, thậm chí gây ách tắc trong hoạt động đầu tư công.

5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức thấp nhưng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu. Nguyên nhân vì giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng đột biến; giá lương thực cũng tăng; giá bán lẻ xăng đã tám lần điều chỉnh với bảy lần tăng, một lần giảm. Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát còn tiềm ẩn ở yếu tố cung tiền tăng nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp do hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; vòng quay tiền chậm lại trong nền kinh tế thực nhưng một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro… Ðể hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, cần nỗ lực cao nhất trong công tác điều hành giá để kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý. Cần theo sát biến động, xu hướng giá cả của một số mặt hàng thiết yếu là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế để dự báo xu hướng, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp kịp thời khi giá tăng cao.

TÔ HÀ (Thực hiện)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments