Nhiều người tiêu dùng chọn giải pháp mua hàng trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: HẢI ANH
Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, rào cản do bệnh dịch. TMĐT còn được kỳ vọng là “chìa khóa” mở lối cho hàng Việt Nam tiến xa hơn vào thị trường toàn cầu.
Bán hàng xuyên biên giới
TMÐT của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng với nhiều mô hình, chủ thể tham gia; các chuỗi cung ứng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Với thế mạnh là dân số trẻ, số lượng người giao dịch trực tuyến trên điện thoại thông minh lớn, thị trường TMÐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh với hơn 35 triệu người dùng, tạo ra doanh thu hơn 11,8 tỷ USD trong năm 2020, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (năm 2019 chỉ chiếm 4,9%). Báo cáo TMÐT các nước Ðông Nam Á của Google, Temasek và Brain&Company (các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới) dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 – 2025 của TMÐT Việt Nam là 29%.
Ðến năm 2025, quy mô TMÐT nước ta sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD, đứng thứ ba trong khối ASEAN. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường TMÐT càng trở nên sôi động và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới trên môi trường trực tuyến đang trở thành giải pháp giúp các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng – chuyển từ mua hàng trực tiếp sang trực tuyến. TMÐT xuyên biên giới cũng trở thành phương thức hữu hiệu để DN Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ.
Cục trưởng Cục TMÐT và Kinh tế số (IDEA – Bộ Công thương) Ðặng Hoàng Hải nhìn nhận: Mặc dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế qua TMÐT, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn chần chừ vì chưa thật sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua TMÐT xuyên biên giới, đồng thời thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này. IDEA đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận phương thức giao thương này. Gần đây nhất, IDEA đã phối hợp Amazon Global Selling (Chương trình hỗ trợ bán hàng toàn cầu thuộc Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon) triển khai các hoạt động cung cấp kiến thức về TMÐT xuyên biên giới cho người bán hàng Việt Nam; hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon; đồng thời, cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển DN, từ đó mở rộng phạm vi kinh doanh đến nhiều quốc gia.
Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam G.Sê-ông chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới và đã cho thấy vị thế vững vàng ngay giữa đại dịch Covid-19. Amazon mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển TMÐT xuyên biên giới tại Việt Nam, thúc đẩy các DN Việt Nam vươn ra toàn cầu. Năm nay, Amazon đã và đang tích cực hiện thực hóa mong muốn ấy bằng cách mở rộng hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam trong việc đào tạo các DN nhỏ và vừa trong nước về kỹ năng TMÐT xuyên biên giới, thúc đẩy thay đổi tương lai của ngành xuất khẩu Việt Nam cũng như tăng cường phát triển kinh tế số.
Tăng cường quản lý
Sự tăng trưởng bứt phá của TMÐT thời gian qua đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà TMÐT mang đến như giúp DN mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh,… vẫn còn nhiều hạn chế trong mua bán trên môi trường trực tuyến. Ðó là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang tồn tại nhan nhản trên các sàn TMÐT. Các mạng xã hội cũng đang nổi lên như một môi trường giao dịch TMÐT phổ biến, nhưng lại chưa được điều chỉnh và kiểm soát tốt.
IDEA đang dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NÐ-CP về TMÐT. Trong đó, ngoài việc bổ sung những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động TMÐT, quy định về hoạt động TMÐT có yếu tố nước ngoài cũng được đề ra nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập liên quan đến nhóm đối tượng này. Thêm vào đó là những quy định bắt buộc công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMÐT giúp minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng và phòng, chống gian lận thương mại; quy định cho hoạt động TMÐT trên mạng xã hội; sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMÐT trên lãnh thổ Việt Nam. IDEA đưa ra giải pháp phát triển hệ sinh thái TMÐT. Cụ thể, IDEA đang tiến hành xây dựng “Nền tảng tín nhiệm TMÐT” – là công cụ đánh giá hữu hiệu các chủ thể kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ được công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
THÁI LINH