Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Bình đẳng trong học tập

GD&TĐ – Khái niệm xã hội học tập và ý tưởng về việc mọi người đều có cơ hội duy trì việc học tập trong suốt cuộc đời được tranh luận trong gần nửa thế kỷ qua.

Ảnh minh họa/INT

Cộng đồng giáo dục quốc tế đã công nhận sức mạnh chuyển đổi của giáo dục và giá trị việc học tập suốt đời đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội. Một ví dụ cụ thể, trong số các mục tiêu phát triển bền vững có một mục tiêu riêng về giáo dục, đó là bảo đảm giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Ở Việt Nam, khái niệm xã hội học tập và ý tưởng về việc học tập suốt đời được cụ thể hóa từ đầu những năm 2010, thông qua quá trình xây dựng Đề án quốc gia về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020. Sau 8 năm triển khai, thành tựu Việt Nam đạt được là đáng kể; đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Chính phủ cũng cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Luật Giáo dục 2019 cũng trở thành khung pháp lý toàn diện, bao gồm cả giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời.

Liên quan đến vấn đề này, UNESCO có một mạng lưới toàn cầu về các thành phố học tập. Mạng lưới này hỗ trợ việc học tập suốt đời ở các thành phố trên thế giới bằng cách thúc đẩy đối thoại chính sách và học tập đồng đẳng cũng như tăng cường các quan hệ đối tác giữa các thành phố thành viên. Hiện nay, mạng lưới này có 229 thành phố thành viên trong đó, Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) lần đầu tiên gia nhập mạng lưới toàn cầu này là ví dụ điển hình cho thấy việc học tập suốt đời đang trở thành hiện thực ở cấp địa phương của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia vẫn phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu giáo dục cơ bản và việc hiện thực hóa sứ mệnh học tập suốt đời vẫn là thách thức lớn. Tại Việt Nam, công tác tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập mới đạt ở chiều rộng, chưa có chiều sâu, nhất là địa bàn khu dân cư vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc. Trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều, nhất là bộ phận người dân lao động ở nông thôn nên chưa đáp ứng yêu cầu của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn.

Bài học kinh nghiệm sau 8 năm Việt Nam triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” cho thấy, vai trò quan trọng của việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết và tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Các sở GD&ĐT phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học cấp tỉnh và các sở, ban, ngành trong tỉnh để tham mưu, đề xuất tỉnh ủy/thành ủy, UBND cấp tỉnh ban hành chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường huy động sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, cung cấp, chia sẻ nguồn học liệu mở để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân…

Bộ GD&ĐT đang xây dựng, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”. Chúng ta có niềm tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực chung trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, chúng ta sẽ tạo ra những cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Từ đó, tăng cường chuẩn bị nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững để hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments