GD&TĐ – Chiều 24/7, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về báo cáo kết quả về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Toàn cảnh phiên thảo luận của tổ 14, chiều 24/7. Ảnh: Quang Khánh
Còn lãng phí rất nhiều
Thảo luận tại các tổ, hầu hết các đại biểu cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này, cùng với việc xem xét nội dung giám sát tối cao, kỳ vọng công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ đi vào nề nếp và tạo nguồn lực lớn cho phát triển đất nước.
Tại tổ 14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bên cạnh việc đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện mạnh mẽ, Quốc hội cần coi trọng vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và cả nhiệm kỳ. Bởi đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội viện dẫn, chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn.
Tại Hà Nội, sau khi tiến hành rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn toàn thành phố, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá giai đoạn vừa qua, năm 2020 Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước.
Tới đây, nếu Quốc hội biểu quyết thông qua lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng, giám sát trên phạm vi cả nước sẽ phát hiện và giải quyết được nhiều vấn đề.
Dẫn một ví dụ về việc lãng phí các tầng thương mại của các khu nhà tái định cư, vì vướng về cơ chế, quy định về đấu thầu, đấu giá dẫn đến không thể cho thuê, không thể khai thác thương mại, bỏ không dẫn đến lãng phí lớn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực tế rất nhiều vấn đề từ tài sản, vật tư, tiền vốn… còn lãng phí rất nhiều.
Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn ra nhiều lĩnh vực còn chưa được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả triệt để như: không gian ngầm, băng tần viễn thông, tài nguyên thiên nhiên. Quản lý sử dụng tài sản công, quy định về tiêu chuẩn định mức, mua sắm tài sản, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều bất cập gây khó khăn trong thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Do đó, lần này Quốc hội quyết tâm để đưa ra thảo luận tại hội trường và tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Làm sao sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư? Quốc hội lựa chọn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi năm chọn một lĩnh vực, tập trung vấn đề trọng điểm; từ đó để đi vào nề nếp, cải thiện được tình hình không chỉ ở lĩnh vực công mà cả ở lĩnh vực tư, huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của đất nước cho phát triển.
Thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần phải nâng tầm hơn nữa
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá và có giải pháp đối với một số vấn đề.
Đại biểu nêu rõ, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 3 hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ (gồm hệ thống văn bản mà các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành, hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ của cơ quan quản lý ngân sách, lao động và định mức tiêu chuẩn chi tiêu nội bộ) làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, Chính phủ cần làm rõ và đánh giá cụ thể hơn việc thể chế được những hệ thống chỉ tiêu định mức so với yêu cầu cần ban hành.
Đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực cụ thể, đại biểu đề nghị có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý sử dụng tài nguyên nhất là tài nguyên nước; vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải rắn, tận dụng rác thải như một loại tài nguyên; chú trọng việc liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu giữa các bộ ngành và giữa trung ương với địa phương.
Khẳng định, tham nhũng, lãng phí đáng lên án và đáng quan ngại, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí của chúng ta còn rất yếu so với những gì mà nhân dân mong đợi.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, các thước đo về định lượng, các việc làm gây lãng phí chưa được chỉ rõ. Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần phải nâng tầm hơn nữa, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, bởi chủ yếu lãng phí của công, của chung, của xã hội chứ ít khi xảy ra lãng phí của cá nhân.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội), lãng phí trong đầu tư công là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong năm qua, nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, kéo dài. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, lãng phí về sức mạnh con người, trí tuệ, niềm tin là lãng phí lớn. Với cơ chế, mức lương hiện nay làm sao chúng ta có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. “Tôi cho rằng, cải cách thể chế là rất quan trọng và đột phá về thể chế cần làm trước tiên” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
HẢI MINH – NGỌC TRANG