Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: NHẬT BẮC
NDĐT – Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ luôn nỗ lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục chèo lái “con thuyền” kinh tế vượt qua dông bão.
Vì người dân, vì doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh “khó khăn trăm bề”, nhất là từ khi Chính phủ vừa được kiện toàn tháng 4, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân. Nửa đầu năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm,… Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian làm việc với từng bộ, ngành, cơ quan trực thuộc để đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài của từng lĩnh vực.
Chính phủ cũng tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương như giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch,… Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để cầu thị, lắng nghe các ý kiến, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải “xắn tay” vào giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “3 không” (không nói không, không nói khó, không nói có rồi không làm) và “5 thật” (nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật).
Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn vì đại dịch, nhất là Nghị quyết 68 và 86/NQ-CP, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời khác, thật sự là “liều vắc-xin” cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị doanh nghiệp xem xét giảm ngay giá điện, giá nước sạch sinh hoạt, cước viễn thông lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng để chia sẻ khó khăn cùng với các khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19, được nhân dân hết sức đồng tình và hoan nghênh.
Một trong những chủ trương được dư luận đánh giá rất cao và kịp thời là thực hiện chiến lược vắc-xin với ba mũi nhọn là mua được vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động sản xuất vắc-xin trong nước và tiêm chủng miễn phí cho toàn dân kịp thời, an toàn và hiệu quả. Dư luận đánh giá rất cao việc Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19; đồng thời thực hiện “ngoại giao vắc-xin” rất tích cực và hiệu quả.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kể từ ngày 27/4 tới nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra, thị sát các “tâm dịch”, “vùng đỏ” ở Bắc Giang, Bắc Ninh, hay như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam (bốn lần trong ba tháng) để tìm hiểu thực tế, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Các xã, phường, khu dân cư, cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai được Thủ tướng và đoàn công tác đến thị sát, kiểm tra hôm 26 và 27/8 đều khẳng định việc Chính phủ đưa dịch vụ chăm sóc y tế xuống xã, phường là hết sức đúng đắn, góp phần để người dân tiếp cận y tế ngay từ cơ sở, kịp thời cứu chữa các ca F0, giảm tải tuyến trên.
Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng những tín hiệu tích cực cho thấy, công cuộc chống dịch đang đi đúng hướng; chủ trương lấy xã, phường là “pháo đài” chống dịch, mỗi người dân là một “chiến sĩ” hoàn toàn đúng đắn; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Thủ tướng cũng trực tiếp thị sát, tìm hiểu cặn kẽ một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nỗ lực duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” rất an toàn và thành công, thu nhập của người lao động cao hơn rất nhiều so bình thường, công nhân hết sức phấn khởi và ủng hộ. Điều đó thể hiện, Chính phủ luôn đi sâu, đi sát, nắm dân, gần dân, hiểu cơ sở hơn, nắm chắc diễn biến thực tế, kịp thời có những chỉ đạo sát tình hình.
Lấy thách thức là động lực phấn đấu
Chính phủ đặc biệt coi trọng việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc bảo đảm sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; chống dịch để phát triển sản xuất, sản xuất để có nguồn lực chống dịch. Lúc này, ưu tiên lớn nhất là chống dịch, nhưng địa phương nào, cơ sở nào bảo đảm an toàn vẫn cần đẩy mạnh sản xuất, sản xuất phải an toàn; thực hiện các giải pháp sáng tạo như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”,… Chính phủ cũng kịp thời chấn chỉnh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, hành xử máy móc, cứng nhắc của các địa phương, thiết lập “luồng xanh” bảo đảm hàng hóa được lưu thông thuận lợi.
Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ là hết sức dứt khoát, mạnh mẽ và quyết liệt: Cá nhân, tập thể nào làm tốt được khen thưởng; cá nhân, đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật; “ai không làm được thì đứng sang một bên”. Thực tế thời gian qua, có nhiều cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, cách chức vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là chống dịch hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, càng khó khăn càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy chủ động, sáng tạo của các cấp; giữ vững, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nội bộ, trong nhân dân và đoàn kết giữa các địa phương.
Thời gian tới, phải xác định khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với thuận lợi và thời cơ; nhưng chúng ta phải quyết liệt hành động, vượt qua khó khăn; lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, trưởng thành và phát triển,… Chính phủ xác định nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số; làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội… Đặc biệt, Chính phủ quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
“Đám mây Covid-19” đã phủ bóng mờ lên cuộc sống người dân. Đây là thời điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” nhưng chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại. Chính phủ đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, truyền cảm hứng cho nhân dân cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong dịch bệnh, khó khăn hoạn nạn, tinh thần vượt khó, truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước lại càng được củng cố, thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
THANH GIANG