Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SHB. Ảnh: TRẦN HẢI
Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tín dụng như hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể nới bội chi và vay nợ nhiều hơn để có nguồn lực chi cho chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế. Giải pháp này nên thực hiện trong ngắn hạn, đến năm 2023 quay lại quỹ đạo cũ.
Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa mạnh tay để có nguồn lực tương xứng cho giai đoạn phát triển đặc biệt khó khăn của đất nước.
Quy mô gói hỗ trợ quá nhỏ
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021, tính chung cả chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí… đạt khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
Trước đó, theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2020 Việt Nam đã sớm đưa ra gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy mô 1,1 triệu tỷ đồng nhưng giá trị thực hiện ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP. So sánh với quy mô gói hỗ trợ của các quốc gia khác, mức hỗ trợ của Việt Nam là rất thấp vì theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 197 quốc gia trên thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020 để cứu các nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng trong đại dịch Covid-19.
Trong đó, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa là 9,7%, quy mô các gói hỗ trợ tiền tệ là 6,2%, chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách thông qua Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương. Quy mô các gói hỗ trợ tài khóa được các Chính phủ công bố và triển khai khác nhau phụ thuộc vào thể chế, khả năng ngân sách và mức độ thiệt hại do đại dịch gây ra. Các nền kinh tế lớn như Mỹ công bố gói hỗ trợ tương đương 28% GDP, Australia công bố gói hỗ trợ quy mô 18,4% GDP; các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore có gói hỗ trợ khoảng 10%-14% GDP; mức thấp hơn thuộc về Việt Nam, Philippines, Indonesia…, với quy mô chỉ ở mức từ 2%-6% GDP.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khuyến nghị gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ triển khai vừa qua chưa đủ lớn, cần tăng lên trong thời gian tới vì vẫn còn dư địa để phát hành trái phiếu Chính phủ, vay nợ nước ngoài. Đây cũng là quan điểm của PGS, TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính.
Dự báo trong trường hợp GDP năm 2021 tăng thấp (giả định ở mức 3,8%), thu cân đối ngân sách nhà nước sẽ chỉ đạt khoảng 96-98% dự toán đầu năm, vị chuyên gia cho rằng, cần phải chấp nhận bội chi cao hơn và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. “Trong bối cảnh bất thường phải có những giải pháp nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường. Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và cơ cấu lại nợ công”, PGS, TS Vũ Sỹ Cường đề xuất.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô
Cũng như các nền kinh tế khác, câu hỏi đặt ra cho Việt Nam khi tính đến giải pháp sử dụng nợ công để có nguồn lực tài chính công lớn hỗ trợ phục hồi kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 là có thể tăng vay nợ và chi tiêu đến mức nào để không ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, theo Luật Quản lý nợ công, các khoản vay nợ của quốc gia chỉ được chi cho đầu tư phát triển.
TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: Dư địa chính sách tài khóa những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã được cải thiện rất tốt. Cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, tỷ lệ nợ công/GDP hiện chỉ ở mức hơn 44% GDP trong khi trần nợ công được Quốc hội cho phép là 60% GDP. Để đối phó với dịch bệnh, các nước đều tăng nợ công lên cao và họ tính toán để cứu 1% GDP tăng trưởng thì chính sách tài khóa phải tăng nợ công 2,5 lần và dùng nợ công đó làm gói cứu trợ an sinh xã hội, cứu DN dưới nhiều hình thức khác nhau.
Với điều kiện hiện nay, Việt Nam cần nâng dần nợ công thêm 5-7% GDP so với hiện tại mà vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, tương ứng khoảng 18-20 tỷ USD. Sau khoảng hai hoặc ba năm sẽ giảm dần mức nợ công xuống, mỗi năm giảm khoảng 2-3% để trở về mức cũ. Vấn đề là tăng vay vốn để nợ công/GDP tăng lên thì lượng tiền đó sử dụng vào mục đích gì để có hiệu quả nhất cho nền kinh tế, đây là nội dung cần thảo luận kỹ.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng còn nhiều dư địa để phục hồi kinh tế trong những năm tới. Đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỷ lệ bội chi ngân sách còn thấp. Do đó, cần mạnh dạn chấp nhận mức bội chi ngân sách cao hơn 3-4% GDP như vẫn duy trì nhiều năm qua.
TÔ HÀ