Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾVực dậy lực lượng doanh nghiệp

Vực dậy lực lượng doanh nghiệp

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành hệ thống điện an toàn trong mọi tình huống đại dịch xảy ra. Ảnh TTXVN

Ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái cấu trúc để khắc phục những hạn chế nội tại, thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi và tăng khả năng phục hồi.

Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ cho biết thực trạng tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều khác biệt so với những năm trước, nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng.

Bức tranh nhiều gam màu xám

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tính đến cuối năm 2020 bao gồm 807 doanh nghiệp, có tổng tài sản hơn 3,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đều tăng 1% so năm 2019. Thế nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh lại giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2020 các đơn vị này tạo ra tổng doanh thu hơn 1,9 triệu tỷ đồng, giảm 12%; lãi phát sinh trước thuế giảm mạnh 22%, chỉ đạt gần 163 nghìn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung là 9%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân chung là 4%, giảm mạnh so mức 12% và 6% của năm trước; nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng giảm 14%.

Trong tổng số 73 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tám công ty mẹ được xác định là không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Năm 2020, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cho nên tổng doanh thu đều giảm hoặc chỉ tương đương mức thực hiện năm trước. Theo đánh giá chung của Chính phủ, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, hiện chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, đóng góp hơn 29% GDP cả nước. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh; tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và vẫn còn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lo ngại, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng mờ nhạt trong khi vẫn nắm giữ nguồn tài sản quan trọng của đất nước. Không những không huy động được nguồn lực từ bên ngoài, doanh nghiệp nhà nước cũng không huy động hết và sử dụng tối đa các nguồn lực nắm giữ. Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch, làm hạn chế sự đổi mới về năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân vào những lĩnh vực mà Nhà nước thoái lui. Một trong những nội dung quan trọng nhất của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian tới là phải đổi mới tư duy, coi doanh nghiệp nhà nước thật sự là một doanh nghiệp có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh tương tự các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, được hoạt động đầu tư kinh doanh thật sự theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa hiện đại, chưa tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới, thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề; công nghệ lạc hậu, chưa làm chủ được các công nghệ mới và hiện đại. Do đó, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khả năng chống chịu, linh hoạt chuyển đổi để đối phó với các thách thức từ bên ngoài còn yếu.

Vực dậy lực lượng doanh nghiệp -0
Khai thác than tại khai trường của Công ty CP Than Cao Sơn – Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam). Ảnh: THANH TRÚC

Chọn “tọa độ” hỗ trợ để bứt phá

Đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi dịch Covid-19. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong đó quy định bốn giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021, gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong hai quý cuối năm đối với hộ/cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề; miễn tiền chậm nộp của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Trong số này có ba giải pháp lần đầu tiên được áp dụng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam. Mặc dù các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cấp bách, ngắn hạn rất kịp thời, cần thiết nhưng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 dự báo còn lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá trong thời gian tới.

Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý đến nhóm các biện pháp hỗ trợ tái cấu trúc nhằm giúp các doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi và tăng khả năng phục hồi. Đó là hỗ trợ số hóa (làm việc từ xa và bán hàng điện tử) nhằm tăng cường kỹ năng số cho doanh nhân, chủ doanh nghiệp và người lao động; mở rộng tiếp cận hạ tầng, công cụ và kỹ thuật số. Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, tập trung vào những yếu tố liên quan đến đại dịch hoặc hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp cho việc giảm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh đến các giải pháp hỗ trợ nâng cao kỹ năng và học các kỹ năng mới cho người lao động khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đây là kinh nghiệm nhiều nước đã triển khai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đơn cử, Chính phủ Singapore đã trợ cấp cho người lao động ngành dịch vụ ăn uống và bán lẻ tham gia các khóa đào tạo thông qua sáng kiến kỹ năng cho tương lai. Đức và Malaysia ban hành gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần chọn “tọa độ ưu tiên” để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đó có thể là một số chuỗi sản xuất quan trọng, những trung tâm tăng trưởng có vai trò quyết định đối với phục hồi kinh tế hoặc một số doanh nghiệp có sứ mệnh quốc gia, doanh nghiệp lớn mà sự phục hồi của doanh nghiệp đó có thể kéo theo cả chuỗi liên quan… TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã biến đổi sâu sắc kinh tế thế giới, chuyển mạnh từ nền kinh tế vật thể sang nền kinh tế số. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc… sau đại dịch vừa qua đều nhờ vào định hướng công nghệ cao và kinh tế số rất mạnh. Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam phải ráo riết chuẩn bị năng lực cho kinh tế số nếu không muốn bị lỡ nhịp.

TÔ HÀ

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments