Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeNHÂN TÀI - NHÂN LỰCGIÁO DỤC ĐÀO TẠOChính sách đãi ngộ là “chìa khóa” để thu hút nhân tài...

Chính sách đãi ngộ là “chìa khóa” để thu hút nhân tài vào ngành sư phạm

GDVN- Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho biết, điểm đầu vào sư phạm phải cao và thống nhất, chương trình đào tạo giữa các trường sư phạm cũng cần có sự thống nhất cơ bản.

Hướng tới xây dựng trường đại học đa ngành là chiến lược phát triển của nhiều trường đại học hiện nay, trong đó có cả các trường đào tạo giáo viên.

Vừa qua, trong buổi làm việc với các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, dù theo mô hình đa ngành nhưng các trường đào tạo giáo viên vẫn phải đảm bảo được chuẩn về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ, phải lưu tâm đến các nghiệp vụ sư phạm để đào tạo được đội ngũ giáo viên chất lượng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng, ngoài vấn đề về chuyên môn, các trường sư phạm cần phải làm tốt hơn công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Chuẩn chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp gắn với đổi mới giáo dục

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, trường đại học đa ngành là xu thế phát triển chung trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ngay cả các trường trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển đa ngành trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo,… Nhìn chung, mô hình này cũng tương đương với trường đại học đa ngành có khoa sư phạm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC)

Chính bởi trong xu thế đa ngành đó, việc quy định về chuẩn chuyên môn, chuẩn nghiệp vụ, chuẩn nghề nghiệp đối với sinh viên sư phạm là điều cần thiết. Để thực hiện yêu cầu này, các trường sư phạm phải làm tốt việc kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo. Cụ thể, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nêu ra một số vấn đề cần hướng đến.

Thứ nhất, phải có chuẩn chung trong tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, thống nhất về quy định bao nhiêu điểm mới trúng tuyển vào các trường sư phạm. Chuẩn đầu vào là tiền đề để chúng ta thực hiện chuẩn chuyên môn, chuẩn nghiệp vụ trong đào tạo giáo viên ở các trường. Đây cũng là một trong những giải pháp để tuyển chọn “người tài” cho ngành giáo dục, bởi đã có một giai đoạn, điểm vào ngành sư phạm ở một số trường cực thấp.

Thứ haichương trình đào tạo nhóm ngành sư phạm giữa các trường phải có sự thống nhất cơ bản. Nghĩa là phải thống nhất những chuẩn chung trong đào tạo giáo viên, những gì được giảng dạy ở trường sư phạm A cũng cần được dạy trong trường sư phạm B.

Điều này không có nghĩa là thực hiện rập khuôn, máy móc, thống nhất 100% nội dung chương trình đào tạo, các trường hoàn toàn có những sáng tạo, đổi mới trong phương thức đào tạo, nhưng phải trên cơ sở thống nhất căn bản về chương trình.

Thứ ba, phải đảm bảo về chất lượng đào tạo và kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Bàn về chuẩn chuyên môn, chuẩn nghiệp vụ nghĩa là phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm đào tạo, sản phẩm của các trường có đáp ứng yêu cầu không, xã hội có thể sử dụng không?

Đào tạo sư phạm là phải gắn với bối cảnh phát triển của xã hội, với thay đổi của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và những yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay.

“Ngày xưa, lời nói của người thầy được xem là chân lý, học sinh chỉ có thể học ở thầy, nhưng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi người có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, kiến thức cũng có ở khắp nơi, muốn tìm hiểu điều gì, người ta có thể hỏi ‘Google’.

Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận vai trò của người thầy, mà là chúng ta phải có những đổi mới về giáo dục, về phương pháp dạy học. Trước đây ta dạy học trò theo cách truyền thụ kiến thức nhưng bây giờ chúng ta phải dạy các em cách làm, cách sống, cách đón đầu xu thế tương lai.

Người thầy có vai trò gợi mở, định hướng, tạo điều kiện để học sinh thấy được việc học là nhu cầu tự thân, để học sinh tự học, phát huy sự sáng tạo của mình.

Với những thay đổi đó, các trường đào tạo giáo viên cũng phải chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng về công tác sư phạm, nghiệp vụ sư phạm ngoài kiến thức chuyên môn. Sản phẩm của các trường sư phạm không đơn thuần là một người thầy biết giải toán mà người thầy ấy phải biết cách tổ chức lớp học, đổi mới, linh hoạt các phương pháp dạy học”, thầy Hồng phân tích.

Thứ tư, chú trọng đến chuẩn đạo đức, tăng cường bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nhà giáo trong các trường sư phạm.

Nghề giáo là một ngành nghề đặc biệt, bên cạnh dạy học kiến thức, phát triển năng lực thì chúng ta còn phải phát triển phẩm chất học sinh. Muốn vậy, mỗi người thầy phải là một tấm gương sáng về đạo đức để học sinh noi theo.

Một người thầy phải thực sự yêu nghề, yêu học trò, phải trung thực, giàu lòng yêu thương và thực hiện đúng pháp luật. Nếu một người vi phạm đạo đức nhà giáo thì không xứng đáng công tác trong ngành giáo dục.

Cũng vì lẽ đó, ngoài chuẩn chuyên môn, chuẩn nghiệp vụ thì chúng ta phải có quy định về chuẩn đạo đức nhà giáo. Công tác đào tạo sư phạm cũng cần chú trọng vào vấn đề này.

Thu hút người tài cần có chính sách đãi ngộ tốt

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, đào tạo sư phạm ở các trường đại học Việt Nam hiện nay chủ yếu theo mô hình truyền thống (đào tạo 4 năm). Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay phổ biến mô hình đào tạo tiếp nối (2 năm đào tạo khoa học cơ bản và 2 năm đào tạo khoa học giáo dục).

Ở một số quốc gia, chỉ ngành giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học được đào tạo theo mô hình 4 năm. Còn giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông được đào tạo theo mô hình tiếp nối.

Hoặc ở các trường đại học đa ngành, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, họ học thêm 2 năm về khoa học giáo dục để trở thành thầy giáo. Ví dụ cử nhân vật lý, kỹ sư nông học hay kỹ sư cơ khí,… sau khi hoàn thành chương trình khoa học giáo dục trong 2 năm đều có thể dạy học.

“Hiện nay, đào tạo sư phạm ở nước ta cũng đang tiếp cận dần với các mô hình trên thế giới. Theo tôi, việc áp dụng mô hình nào không phải là vấn đề quá quan trọng. Quan trọng là phải đảm bảo về chất lượng đào tạo, thống nhất về điểm chuẩn đầu vào, phải thiết lập hệ thống kiểm soát đầu vào, kiểm soát được quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra chặt chẽ và thực hiện đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo sư phạm ở các trường”, thầy Hồng nhận định.

Bàn về những đổi mới trong công tác tuyển sinh ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho biết, công tác đặt hàng đào tạo giáo viên hiện nay ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điều các địa phương lo lắng là dù đã đặt hàng nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có trở về địa phương công tác không, có đảm bảo nguồn nhân lực hay không. Câu chuyện phân bổ nguồn lực đội ngũ đang là một bài toán khó, các địa phương sẽ lo lắng không thể bổ nhiệm theo đúng nhu cầu.

Những chính sách mới trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã phần nào có những tác động tích cực đến công tác tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, muốn làm tốt hơn việc thu hút người giỏi, người tài cho ngành giáo dục thì cần phải có chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên.

“Ví dụ, những cử nhân sau khi ra trường phải công tác xa nhà, dạy học vùng sâu vùng xa thì phải có chính sách hỗ trợ nhà ở cho họ. Kể cả nhà công vụ cho giáo viên cũng phải được chú trọng xây dựng. Chưa kể khi họ có nhu cầu chuyển công tác khỏi những vùng địa lý gặp nhiều khó khăn thì họ phải được luân chuyển, muốn vậy cũng phải có chính sách sử dụng sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp rõ ràng.

Các thầy cô vốn đã phải đối mặt với nhiều áp lực nghề nghiệp, nếu vẫn không lo được “cơm áo gạo tiền”, mức lương không đủ sống thì dù yêu nghề đến mấy cũng sẽ khó đặt trọn tâm huyết và gắn bó dài lâu với nghề.

Như vậy, ngoài công tác dự báo nhân lực để đặt hàng đào tạo, chính sách hỗ trợ sinh viên trong khoảng thời gian học tập thì chính sách đãi ngộ mới thực sự là chìa khóa để mở cửa, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục và đảm bảo việc phân bổ đội ngũ về các địa phương”, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm.

Linh Trang

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments