NDĐT – Chiều 7/12, trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) đã khai mạc Hội chợ quốc tế Hàng trang trí gia đình và Quà tặng Việt Nam (Lifestyle Vietnam) được diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Chương trình không chỉ là không gian trưng bày mang yếu tố thương mại mà còn là một công cụ mới giúp nhiều nhóm yếu thế hòa nhập với cuộc sống bình thường mới.
Trải qua bốn đợt dịch Covid-19, hơn 90% doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, các đơn vị sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ được cho là nhóm dễ tổn thương vì họ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sản xuất mang tính chất hộ gia đình hoặc làng nghề. Các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ này hầu như đều bấp bênh trong đại dịch vì các đối tác tiêu thụ đa phần là doanh nghiệp nước ngoài và thuộc các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch như thời trang, du lịch…
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm trên thế giới có gần 32.000 hội chợ triển lãm thương mại được tổ chức. Tuy nhiên, từ khi đại dịch xuất hiện, các hội chợ thương mại hầu như đều không thể tổ chức được. Do đó, quá trình quảng bá và mua bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng gần như “giậm chân tại chỗ”, các nguyên liệu sản xuất các mặt hàng này cũng chủ yếu là các chất liệu thiên nhiên, dễ hư hại, khiến đời sống người dân – đặc biệt là dân tộc thiểu số – gặp càng nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, để thích nghi với tình trạng dịch bệnh bùng phát, các nhà tổ chức hội chợ trên thế giới hầu hết chuyển sang hội chợ theo hình thức trực tuyến. Đến nay, đã có gần 1.000 hội chợ trực tuyến được diễn ra.
Ông Ngọc cũng cho biết, Lifestyle là hội chợ đầu tiên áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để tạo ra một không gian hội chợ ảo có sự khác biệt lớn cho cả doanh nghiệp lẫn khách tham quan.
Hội chợ quy tụ gần 300 doanh nghiệp với 9 nhóm sản phẩm khác nhau. Một trong những điểm đặc biệt của hội chợ là sự hỗ trợ của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đối với doanh nghiệp.
Ông Lê Bá Ngọc cho hay: “Các doanh nghiệp vẫn chưa quen với việc đưa các sản phẩm lên nền tảng trực tuyến, thiết kế và bày trí, hiệp hội luôn bố trí các chuyên gia thường trực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận”.
Các sản phẩm cũng mang tính đột phá. Thay vì chỉ quảng bá sản phẩm, hội chợ cũng tận dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá về câu chuyện văn hoá của mỗi sản phẩm. Đây là điều mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức được. Qua đó, hội chợ sẽ thu hút khách hàng thông qua sự tiếp cận về văn hoá bản địa.
Đối với khách tham quan, hội chợ trực tuyến cũng mang lại nhiều tiện ích. Các gian hàng được bày biện khoa học, thuận tiện cho người tham quan. Khách hàng cũng dễ dàng giao tiếp với các doanh nghiệp theo mô hình trực tuyến. Nếu muốn mua hàng, khách hàng có thể nhanh chóng chọn lựa, nhận được sự tư vấn và tiến hành các thủ tục thanh toán. Các hướng dẫn trên nền tảng trực tuyến cũng rõ ràng, đẹp và mang đậm màu sắc Việt Nam.
MINH DUY