Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeNHÂN TÀI - NHÂN LỰCGIÁO DỤC ĐÀO TẠOCÁC KỸ SƯ RÚT NGẮN CON ĐƯỜNG VƯƠN RA THẾ GIỚI CHO...

CÁC KỸ SƯ RÚT NGẮN CON ĐƯỜNG VƯƠN RA THẾ GIỚI CHO TRẺ EM VIỆT NAM

VietnamNet – Vốn được biết tới là một trong những Founder Việt hiếm hoi khởi nghiệp thành công tại Silicon Valley (Mỹ), điều khiến TS Trần Việt Hùng luôn trăn trở là những người “khổng lồ” về công nghệ đã làm thay đổi thế giới đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ rất sớm.

Vì thế, trong anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo về công nghệ càng sớm càng tốt. TS Hùng kỳ vọng, trong tương lai không xa, đây chính là những lực lượng nhân sự công nghệ hùng hậu của Việt Nam có thể cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa ở bất kỳ đâu thế giới.

May mắn, khi trình bày ý tưởng này cho những người trẻ là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới, anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Trong số này, có nhiều kỹ sư người Việt có kinh nghiệm thực chiến và đang công tác ở những vị trí cao trong các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, Facebook, Code.org…

Năm 2020, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, họ đã tập hợp lại cùng nhau để thành lập STEAM for Vietnam với sứ mệnh đưa giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế tới trẻ em Việt hoàn toàn miễn phí.

STEAM for Vietnam là 1 trong 14 đề cử của giải thưởng “Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021”. Các gương mặt được lựa chọn đều có những câu chuyện riêng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2021. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY.

STEAM,học lập trình

Mùa hè năm 2019, tôi có nhận một cậu bé 13 tuổi, khi ấy vừa học xong lớp 6 tại một trường THCS ở Hà Nội, đến xin làm thực tập sinh phát triển phần mềm. Chúng tôi bắt đầu bằng việc cho cậu sử dụng giáo trình nhập môn Khoa học máy tính dành cho bậc đại học ở Mỹ để xem cậu bé tiếp thu đến đâu.

Điều bất ngờ, chỉ sau hơn 3 tháng, cậu bé này đã hoàn thành khóa học không mấy khó khăn. Tiếp theo, chúng tôi tiếp tục dạy thêm một chút về trí tuệ nhân tạo. Cậu bé sau đó đã có thể biến chiếc xe ô tô điện đồ chơi thành một chiếc xe tự lái. Điều này khiến hầu hết các kỹ sư phần mềm ở Got It đều cảm thấy vô cùng bất ngờ.

Một thời gian sau, chúng tôi tiếp tục phỏng vấn, dạy lập trình cho một số học sinh cấp 2 khác và nhận thấy các học trò nhỏ tuổi đều có khả năng tiếp thu rất nhanh và sáng tạo.

Điều này phần nào khiến tôi trả lời được câu hỏi: “Trẻ được cho tiếp xúc và được đào tạo về công nghệ từ sớm, chúng ta có thể tạo ra những người giỏi và đi được xa trong tương lai hay không?”. Đó cũng chính là lý do khiến STEAM for Vietnam ra đời, trong đó tập trung vào việc dạy tư duy máy tính cho trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi 8 – 16.

STEAM,học lập trình

Chúng tôi cho rằng, lứa tuổi cấp 2 chính là “lứa tuổi vàng” để chúng ta có thể thực hiện điều đó. Thực tế, nếu được dạy về tư duy máy tính từ sớm và áp dụng được như một khả năng tự nhiên, trẻ sẽ có khả năng giải quyết hiệu quả mọi vấn đề trong cuộc sống vì chúng có những suy nghĩ logic và tối ưu trong bất kỳ ngành nghề nào mà trẻ sẽ theo đuổi trong tương lai; từ đó, rút ngắn thời gian vươn ra thế giới so với thế hệ du học sinh đi trước.

Một điều đặc biệt khác, trong chương trình học, chúng tôi cũng mời diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực tới để giao lưu với học sinh. Ví dụ, trong danh sách các vị khách đặc biệt, chúng tôi đã thuyết phục và mời được những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn như TS Jeremy Frank – một nhà khoa học nổi tiếng đang làm việc ở NASA. Chúng tôi phải mất tới 6 tuần làm việc với NASA để mời được ông tham gia vào buổi giao lưu này.

Tại đây, ông nói chuyện về các nhiệm vụ của mình ngoài không gian. Khi học sinh được giao lưu, đặt câu hỏi, các em sẽ thấy được những giấc mơ cao xa. Và không chỉ là ước mơ, đã có những người làm được điểu đó. Những điều tưởng chừng không thể ấy lại trở nên hoàn toàn có thể. Những trải nghiệm này ít nhiều sẽ giúp các em đặt ra các mục tiêu cao hơn và xa hơn cho chính mình.

Hay chúng tôi cũng mời các chuyên gia tới từ Đại học Harvard, chuyên gia của Google, Microsoft tới để nói chuyện. Kết thúc khóa học, trẻ sẽ học thêm được rất nhiều kỹ năng, ngoài khả năng lập trình.

Tôi cho rằng, thay vì dùng lý thuyết suông, việc đưa người thật, việc thật vào làm ví dụ cụ thể sẽ giúp trẻ cảm thấy thích thú và thực sự say mê với nội dung của khoá học.

Việc có thêm nhiều hiểu biết về các lĩnh vực khác là điều cần thiết để bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể sẵn sàng đối mặt với môi trường làm việc thay đổi trong tương lai.

STEAM,học lập trình

Khoa học máy tính và giáo dục luôn là mối quan tâm của tôi, do đó khi biết tới STEAM for Vietnam và những mục tiêu của chương trình là dạy về lập trình miễn phí cho trẻ, tôi vô cùng hào hứng và quyết định tham gia.

Hiện tại, nhiệm vụ của tôi tại đây là thiết kế bài học cho các khóa học cơ bản về tư duy máy tính, lập trình Scratch và cũng là người chịu trách nhiệm chính cho chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng bài học.

Thông thường, một lớp học coding trực tiếp chỉ có khoảng từ 10-15 học sinh và các lớp học này chỉ có ở những thành phố lớn. Như vậy, số lượng trẻ em được tiếp cận với bộ môn này là rất nhỏ. Thậm chí, với những trẻ em ở các vùng khó khăn hơn hoàn toàn không có khả năng tiếp cận.

STEAM,học lập trình

Do đó, điều tôi luôn mong muốn là toàn bộ trẻ em đều có khả năng được tiếp cận với một nền giáo dục văn minh, hiện đại đến từ những thầy cô giỏi nhất. Hơn nữa, chương trình không chỉ đơn thuần là dạy code, để các bé biết giải các thuật toán mà điều quan trọng hơn là giúp học sinh có được tư duy máy tính – tư duy quan trọng để giải quyết mọi vấn đề của thế kỷ XXI.

Tôi tin rằng, chỉ cần có được khả năng tiếp cận với STEM, cụ thể hơn là khoa học máy tính, học sinh Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh, thậm chí là hơn những học sinh ở các nước khác trên thế giới. 

STEAM,học lập trình

Hơn 3 năm làm việc tại Code.org – một tổ chức giáo dục công nghệ nhằm phổ cập miễn phí khoa học máy tính và lập trình cho trẻ em ở Mỹ cũng như trẻ em trên thế giới, tôi luôn mong muốn có thể góp phần thu hẹp khoảng cách về cơ hội giáo dục giữa học sinh ở các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, bởi tất cả học sinh đều xứng đáng có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm giáo dục tốt nhất.

Vì thế, khi được giới thiệu về tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM tại Việt Nam, tôi đã quyết định tham gia ngay lập tức.

Tôi cho rằng, việc học công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế so với thế giới. Các kiến thức và bài thi lập trình cho học sinh phổ thông hầu hết vẫn mang hình thức đánh đố. Nếu việc học và thi vẫn được tiếp cận theo cách như vậy, chúng ta sẽ còn bị tụt hậu xa hơn nữa so với các nước phát triển.

Vì thế, nhóm kỹ sư mong muốn có thể tạo ra một chương trình học với phương châm “ai cũng có thể học khoa học máy tính”. Chương trình được thiết kế gần gũi, gợi sự thích thú tò mò để học sinh có thể tự do bộc lộ tính cách qua mỗi sản phẩm.

STEAM,học lập trình

Trong những khóa học đầu tiên, chúng tôi từng dự định sẽ tổ chức với quy mô nhỏ để thử nghiệm mô hình và nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, những buổi học đầu tiên đã có quy mô vượt xa kỳ vọng, với sự tham gia của 5.000 – 6.000 học sinh người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Qua 2 học kỳ, nhóm đã dạy lập trình Scratch, Python… miễn phí cho khoảng 30.000 trẻ em.

Có một điều rất mừng là có những phụ huynh ở Hà Giang đã chia sẻ với chúng tôi rằng, nếu không có chương trình thì có lẽ, các con ở đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được tiếp cận với những bài học hay như thế. Vì vậy, chúng tôi càng được bồi đắp khao khát mãnh liệt là có thể đưa được ngày càng nhiều học sinh từ những vùng khó khăn tham gia vào khoá học.

Thông qua việc dạy cho trẻ về tư duy máy tính từ sớm, chúng tôi mong rằng đây chính là chìa khóa vạn năng giúp trẻ giải quyết mọi vấn đề một cách hiệu quả thông qua sự kết hợp giữa suy nghĩ logic của con người và năng lực tính toán của máy tính. Chìa khoá này có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực các em theo đuổi sau này.

STEAM,học lập trình

Hiện nay, ở các nước có công nghệ phát triển như Mỹ, việc dạy về khoa học máy tính cho trẻ em rất được chú trọng và có rất nhiều tổ chức, tập đoàn công nghệ quan tâm. Ở Mỹ, cựu Tổng thống Obama từng khởi xướng chương trình Computer Science For All vào năm 2018 với mục tiêu đưa giáo dục khoa học máy tính đến với mọi học sinh Mỹ (từ mẫu giáo đến cấp phổ thông), giúp các em có đủ kỹ năng sáng tạo trong kỷ nguyên công nghệ. Chương trình cũng chỉ ra rằng, khoa học máy tính đã và đang trở thành một kỹ năng cơ bản mới.

Vốn dĩ, giáo dục và hỗ trợ cho thế hệ đi sau luôn là mối quan tâm của tôi. Vì vậy, khi biết tới STEAM for Vietnam trong cộng đồng người Việt Nam ở Thung lũng Silicon và mục tiêu của chương trình, tôi đã nhanh chóng đăng ký tham gia. Hiện nay, tôi đang phụ trách khóa học nhập môn Khoa học máy tính. Khóa học ban đầu được chúng tôi xây dựng dựa trên một khóa học nổi tiếng của Đại học Harvard, sau đó đã được sửa đổi nội dung chương trình cho phù hợp với độ tuổi của học sinh. Với buổi học đầu tiên từ tháng 1/2021, đến nay chúng tôi đã đi vào khóa học thứ 3.

Các buổi học đều nhận được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh vượt xa kỳ vọng. Các con đều rất hạnh phúc và thích thú khi lập trình được những dự án đầu tiên cho riêng mình. Đây cũng là động lực để STEAM for Vietnam cố gắng xây dựng các chương trình ngày càng hoàn thiện hơn.

STEAM,học lập trình

Tuy nhiên, việc đầu tư dạy về khoa học máy tính cho học sinh Việt Nam phải là quá trình đầu tư lâu dài. Do đó, chúng tôi quyết định đem việc dạy khoa học máy tính đến với học sinh thông qua các lớp học online chất lượng cao, bằng tiếng Việt và hoàn toàn miễn phí, để tất cả học sinh Việt Nam đều có thể tiếp cận.

Đối với tôi, điều quan trọng là khóa học này sẽ mang lại niềm vui khám phá, gợi nên trí tò mò và niềm đam mê sáng tạo của học sinh. Khi học bộ môn Khoa học máy tính, học sinh của chúng tôi có rất nhiều cơ hội để sáng tạo thông qua các dự án cuối khóa. Rất nhiều em học sinh đã khiến cho đội ngũ chúng tôi bất ngờ vì khả năng tìm tòi sáng tạo của mình.  

Tôi mong rằng, với mục tiêu phi lợi nhuận của chương trình, chúng tôi có thể hỗ trợ miễn phí cho trẻ em ở khắp mọi miền Việt Nam, tạo ra cơ hội cho thế hệ trẻ có thể thành công trong tương lai và tiến xa hơn nữa trên con đường công nghệ.

Bình chọn cho Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021 để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2021. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY.

Bài: Thúy Nga

Thiết kế: Phương Thu

Ảnh: Lê Anh Dũng, NVCC

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments