Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
NDĐT – Ngày 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Bộ Tài chính chủ trì.
Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội còn có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; điểm cầu các địa phương cả nước.
Đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, kết quả lớn nhất của toàn ngành là chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong công tác thu NSNN và công tác quản lý, điều hành thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,… nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; kết hợp với dịch Covid-19 đã được kiểm soát tích cực từ cuối tháng 9/2021, các hoạt động sản xuất-kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất-kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP). Thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.
Công tác điều hành chi NSNN chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết ngày 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được bảo đảm. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN dưới 4% GDP. Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện phát hành được 318,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, lãi suất bình quân 2,3%/năm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững: đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.
Tăng cường quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, kiểm soát lạm phát; phát triển đồng bộ thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Đến hết ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng (hơn 92% GDP ước thực hiện năm 2021), tăng 46% so với cuối năm 2020. Thị trường bảo hiểm có tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước đạt 214,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,86%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,24%.
Ngoài ra, toàn ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính – ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Năm 2022, nhiệm vụ tài chính-NSNN đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.
Tin: SÔNG TRÀ; Ảnh: TRẦN HẢI