KH-ĐS – Không phải là vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp nhưng Chi Nguyễn lại sở hữu những thành tích vô cùng ấn tượng. Chị được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
Nhân dịp năm mới, Chi Nguyễn đã có cuộc trò chuyện cùng Khoa học và Đời sống về tình yêu thể thao, kinh nghiệm chinh phục đường đua và bí quyết chạy bộ đúng cách.
Không ám ảnh phải đạt thành tích cao
Gần đây rất nhiều người tham gia các giải chạy phong trào vì thấy khỏe và vui. Còn người đã chạy 10 năm như chị niềm vui đó là gì?
Ban Tổ chức giải chạy thường có “trò nọ trò kia” khuyến khích những người mới tham gia vui lắm. Nhưng với những người chạy rất lâu như mình thì niềm vui đến từ bên trong. Mình không có nhu cầu khoe thành tích hay hình ảnh đẹp khi tham gia các giải. Với cộng đồng, mình chia sẻ những câu chuyện khuyến khích người mới chạy. Còn cho riêng mình là những chỉ số, những chia sẻ với huấn luyện viên và những người bạn có thành tích cao.
Lý do nào khiến chị bước chân vào “hố vôi”, trở thành “runner” hổ báo trên đường đua?
Khoảng những năm 2005, mình chập chững đi chạy, ban đầu chỉ để giữ sức khỏe. Mình thích đi du lịch nên đi bộ nhiều, rồi cứ thế xách giầy đi chạy thôi. Lúc đó chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt khiến mọi người ngỡ ngàng, không tin. Gần đây mình đi phân tích gene thì biết cơ địa của mình phù hợp với loại thể thao sức bền. Có lẽ nhờ sinh ra ở vùng núi, có thể bẩm sinh có sẵn một nền tảng nhất định. (Cười)
Lúc đầu mình thấy dễ dàng, nên chạy “cà tưng cà tưng”. Sau đó nhận ra rằng, để thưởng thức được hết vẻ đẹp của môn này, mình phải có tập luyện và vào khuôn phép. Và việc mình gò bản thân như những người không có nền tảng, thậm chí còn nhiều hơn sẽ có thể tạo ra những bước tiến đột phá.
Là một người nghiện thể thao, bản thân chị thế nào khi bị dịch Covid -19 “giam chân giam tay”?
Trước giờ mình luôn nghĩ chuyện đi chạy cực kỳ đơn giản. Nhưng khi mà mọi thứ sẵn sàng lại không thể ra đường. Mình thật sự bị sốc và nhận ra thế giới đã thay đổi, rồi cũng phải thích nghi với điều đó thôi.
Lúc tập trung chạy, chị nghĩ gì?
Mình thường đếm từ 1 – 10, đếm đi đếm lại. Còn khi đã chạy với tốc độ quá nhanh để vượt qua khoảnh khắc đó thì trong đầu không còn nghĩ gì nữa.
10 năm rồi, đạt nhiều thành tích, chị có còn nỗi sợ?
10 năm, có một nền tảng nhất định, thành tích nhất định nhưng với những bài tập khó mình vẫn có một nỗi sợ nào đó. Con người mà! Cũng có những bài tập huấn luyện viên ra nhưng mình không hoàn thành được. Vẫn rất áp lực và sợ “bể bài”, sợ “phẽo” (không hoàn thành đường chạy). Kể cả những vận động viên chuyên nghiệp thế giới cũng có những lúc bị sự cố trên đường. Mình đã từng “xỉu”, “tắt điện” 35 – 40 giây trên đường chạy Lý Sơn vì không lường trước được sự khắc nghiệt của địa hình đường chạy, nắng và gió biển.
Thành tích cao nhất của chị đến giờ là 2 tiếng 57 phút…
Đó là thành tích Giải Long Biên Marathon 2020. Đến giờ, mình vẫn hy vọng sẽ có thành tích cao hơn nữa. Nhưng mình không bị ám ảnh phải đạt được thành tích cao hơn. Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Tập luyện thể thao phải trên cơ sở khoa học
Việc tập luyện của chị như thế nào trước mỗi giải chạy?
5 năm gần đây mình luôn tập luyện rất nghiêm túc, tập gần như vận động viên chuyên nghiệp. Mình nhận ra, với những môn thể thao đường dài, sức bền, phải tiếp cận một cách khoa học và nghiêm túc. Mình tiếp cận với những kiến thức liên quan đến tập luyện, nghỉ ngơi, dinh dưỡng…
Mình làm việc với nhóm Genetica để phân tích kết quả test gene. Theo phân tích gene thì mình hiểu tại sao mình không thể “loadCarb” được giống như các vận động viên. Các vận động viên có thể ăn 3 đĩa mỳ ý rồi dùng hết năng lượng đó vào đường chạy nhưng mình thì không làm được. Cơ địa của mình không nạp được carb tốt như vận động viên, nếu cố mình sẽ bị ói.
Phân tích gene cho thấy cơ địa mình là nạp protein và thiếu vitamin. Từ đó mình phải chỉnh sửa chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Bài tập của mình cũng phải dựa trên nền tảng đó.
Tức là sau khi có phân tích gene chị nhận ra trước đó mình chạy sai?
Hóa ra 5 năm đầu mình sai hết, mình chạy bung hết sức ra, kết thúc nhanh. Nghĩ lại thấy hết sức ngớ ngẩn, chạy kiểu “nhà quê”, “lác lúa”. Theo phân tích gene thì hệ sức mạnh của mình không tốt. Hệ vận động của mình là hệ bền nên phải khởi động từ từ như một cỗ máy, sau đó mới phát huy được sức mạnh. Do vậy, cách chạy đúng với cơ thể mình phải là chạy negative (lên từ từ, nửa sau nhanh hơn).
Lợi ích về thể chất thì không ai có thể bàn cãi nhưng thay đổi lớn nhất với chị sau khi chạy là gì?
Mọi người nhận xét là mình chững chạc, điềm đạm, tĩnh hơn trước rất nhiều. Trước kia mình nhanh, dễ bùng cháy, nổi nóng, luôn chạy đua với deadline. Giờ không chỉ công việc mà những đối thoại hàng ngày mình cũng chậm hơn. Mình đã sang một trạng thái an yên hơn.
Tại sao chạy nhiều lại trở nên an yên hơn vậy?
Đó là một cuộc đối thoại bên trong cơ thể. Khoảng 3 – 5km đầu tiên mọi suy nghĩ tuôn ra trong đầu hỗn loạn như kẹt xe. Sau đó những suy nghĩ bị rơi lại trên đường chạy, hơi thể đều dần, đầu óc tĩnh lặng như thiền. Tâm trí trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn cho đến một lúc nào đó bình minh lóe lên trong đầu.
Vậy cái giá phải trả để được chạy là gì?
Tôi có biệt danh Chi Kenya vì ốm đen, ít mỡ. Chạy nhiều sẽ là bị mất ngực, dần dần đến bụng và mông, da nám đen nếu lười dùng kem chống nắng. Dân chạy bộ thường phải squat nếu không muốn người lép.
Có khi nào chị thấy buồn chán tự hỏi sao mình lại chạy?
Cũng thoáng vài lần khi bị chấn thương do mình tiếp cận sai khoa học và kỳ vọng nhưng rồi nó cũng qua. Xác định chạy để khám phá một số thứ bên trong cơ thể mình thì chấn thương cũng là một trải nghiệm. Trải nghiệm có những thứ hay ho cũng có những thứ rất là chua.
Chị có lời chia sẻ gì cho dân văn phòng, những người mới tập, đến với chạy bộ chỉ để giữ sức khỏe?
Mình hay nói với mọi người, bắt đầu phải chuẩn, từ chọn đôi giày đúng và có những trang bị, tìm hiểu về kỹ thuật. Dáng chạy phải như thế nào để tránh chấn thương. Đừng đốt cháy giai đoạn, chạy theo thành tích, điều đó rất phản khoa học và sẽ không gắn bó được lâu. Những người gắn bó lâu đều là những người chỉ chạy hôm nay 2km, mai lên 2,5km, rồi làm sao giữ được chuyện đó đều đặn. Cơ địa mỗi người mỗi khác. Mình sinh ra không phải để chạy 42km, có thể tối đa chỉ 10km thôi. Làm sao tập luyện trong giới hạn sức khỏe của mình và duy trì được đều đặn là tốt nhất.
Xin cảm ơn chị!
Chi Nguyễn tên thật là Nguyễn Linh Chi, biệt danh Chi Kenya, sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Chi Kenya đã gây sốc khi vô địch đường đua Long Biên Marathon 2020 chỉ trong 2:56.59 giây. Chị là nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên tham gia và hoàn thành Boston Marathon 2019 tại Mỹ khi đạt tiêu chuẩn khắt khe của giải này. Đây là 1 trong 6 giải danh giá mà bất kỳ vận động viên marathon nào cũng mong muốn tham dự. Năm 2017, Chi Nguyễn đạt giải ba tại Techcombank Marathon và hoàn thành đường chạy 100km thuộc giải chạy địa hình UTMB ở Mont Blanc (Thụy Sĩ). Đây là giải chạy trail quốc tế và khắc nghiệt nhất châu Âu với cung đường đi xuyên qua 3 quốc gia Pháp, Ý, Thụy Sĩ và vượt đèo Col Ferret của dãy núi Alpes (độ cao 2.537m).
TUYẾT VÂN (THỰC HIỆN)