Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊTHAM LUẬN "BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN...

THAM LUẬN “BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM” – BÀI 3: MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC, GIỮA ĐẠO LÝ VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG LÀ GÌ? (Tiếp theo và hết)

ISSTH – Viện Nghiên cứu Khoa học Nhân tài – Nhân lực xin trân trọng giới thiệu bản tham luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam” của Tiến sĩ Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).

BÀI 3: MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC, GIỮA ĐẠO LÝ VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG LÀ GÌ?

1. MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

Tín đồ của một tôn giáo cũng là công dân của một quốc gia. Thế nên dù thuộc tôn giáo nào thì mỗi người trong cùng một quốc gia cũng phải vừa có bổn phận với đạo, vừa có trách nhiệm đối với đất nước. Ơn nghĩa của đất nước là một điều gì rất lớn lao, sâu đậm, linh thiêng đối với mỗi con người. Để chúng ta được sống bình yên trong một xã hội ổn định tiến bộ, được yên tâm học hành và làm việc, được thụ hưởng những lợi ích chính đáng, đó là công lao vun đắp và bảo vệ của biết bao thế hệ. Cha ông hy sinh máu xương để xây đắp nên hình hài của Tổ quốc, người lãnh đạo trăn trở đêm thâu lèo lái con thuyền đất nước, người lính đảo xa quên đi những ước nguyện tư riêng để gìn giữ biển trời quê hương nơi đầu sóng ngọn gió… Từng ngày từng giờ, chúng ta vẫn đang thọ nhận rất nhiều ơn nghĩa từ nơi đất nước đầy yêu thương này. Bởi vậy, trách nhiệm đối với đất nước là hết sức thiêng liêng, vẻ vang và vô cùng cao đẹp của mỗi con người khi có mặt trên cuộc đời.

Tôn giáo cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Bất kỳ tôn giáo nào muốn hoạt động cũng đều cần có sự chấp thuận, che chở và bảo vệ của nhà nước. Nếu đất nước bất ổn, bị giặc giã xâm lăng, người dân phải sống vất vả khổ cực thì các bậc Tu sĩ và tín đồ cũng không thể yên tâm tu hành. Nhờ có

nhà nước phía sau ủng hộ nên tôn giáo có thể đến gần được với quần chúng nhân dân hơn. Nhà nước cũng giúp cho môi trường sinh hoạt tôn giáo được lành mạnh, tạo điều kiện cho các tín đồ có cơ hội sống “tốt đời đẹp đạo”39. Trong mối quan hệ tương hỗ mật thiết ấy, tôn giáo cũng có trách nhiệm đối với nhà nước, đóng góp vào sự bình yên và phát triển của đất nước.

Trước khi thực hiện bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, ai cũng phải làm tròn bổn phận của một công dân đối với đất nước của mình trước đã. Một trong những bổn phận cao đẹp của công dân chính là giữ gìn lòng yêu nước nồng nàn. Người tín đồ có thể dành nhiều tình cảm yêu kính cho tôn giáo của mình, nhưng phải luôn giữ gìn sao cho lòng yêu nước không bao giờ phai nhạt. Tình cảm trong tôn giáo không được quyền xung đột với tình cảm dành cho tổ quốc. Mà hơn thế, các tôn giáo còn phải có trách nhiệm giáo dục, hỗ trợ cho tín đồ của mình ngày càng gắn bó bền chặt hơn với quốc gia dân tộc.

Trong đạo Phật, ơn nghĩa đối với đất nước là một trong bốn ơn nghĩa sâu nặng nhất40. Bởi vậy, người đệ tử Phật khi càng hiểu đạo thì càng thấy mình yêu thương đất nước này, càng thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn đối với đất nước. Tinh thần trách nhiệm ấy phải được thể hiện từ những điều rất cụ thể. Đó là một cuộc sống vị tha, tử tế giúp đỡ đồng bào mình, đóng góp những điều tốt đẹp cho tổ quốc quê hương mình.

Kể từ khi được truyền bá và phát triển tại Việt Nam, đạo Phật đã thực sự hòa quyện vào tâm linh dân tộc. Hình ảnh mái chùa thân quen là nơi nương tựa cho tâm hồn người Việt khi họ gặp những khó khăn và nghịch cảnh trong cuộc sống. Lời dạy vô ngã, từ bi của Đức Phật đã phần nào trở thành đức tính hiền lành, thuần hậu trong cốt cách và bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Trong suốt dòng chảy thời gian hơn 2000 năm qua, đạo Phật vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến động thăng trầm của thời cuộc.

Lần giở những trang sử hào hùng, trong những lúc đất nước lâm nguy, nhiều vị cao Tăng đã cùng nhân dân đứng lên chống ách ngoại xâm41. Trong cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ của thực dân và đế quốc, có những nhà sư đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng quân dân cả nước tham gia kháng chiến42. Nhiều ngôi chùa đã trở thành cơ sở cách mạng chăm lo cho cán bộ43. Nhiều vị Tăng Ni đã hy sinh vì độc lập dân tộc44.

Nối tiếp truyền thống hộ quốc an dân, ngày nay, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa” Phật giáo Việt Nam vẫn đang từng ngày có những đóng góp tích cực cho đất nước trên nhiều lĩnh vực như: giữ gìn và lan tỏa các giá trị đạo đức cho cộng đồng45, thắt chặt tình hữu nghị ngoại giao quốc tế46, tham gia các công tác từ thiện xã hội như cứu trợ đồng bào bị thiên tai; giúp đỡ những gia đình khó khăn, người khuyết tật, neo đơn; chăm sóc người có công với đất nước; xây cầu, làm đường, hiến máu nhân đạo, trao quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ vùng biên cương, tham gia phòng chống dịch bệnh47…

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử… Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc48”.

Lý tưởng của Đạo Phật là tình yêu thương đại đồng bao la không còn biên giới. Người đệ tử Phật ước nguyện yêu thương cả thế giới trong trái tim mình. Nhưng cội nguồn của tình yêu thương đó đều phải bắt đầu từ tình yêu đậm đà đối với dân tộc, với quê hương, đất nước. Bởi chỉ khi có thể yêu thương được đất nước quê hương nơi chứa đựng biết bao ân nghĩa đối với mình, con người mới có quyền nói về một tình yêu lớn lao hơn, chung đồng cho tất cả mọi người.

Tinh thần gắn bó giữa đạo Pháp và dân tộc có thể được thể hiện một cách cô đọng qua câu thơ:

“Đạo pháp trong dòng chảy quê hương

Thế giới trong tình yêu dân tộc”.

2. MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO LÝ VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

· Thứ nhất, mục tiêu mà cả hai cùng hướng đến: “TRÁNH KHỔ TÌM VUI”.

Trong tư tưởng Đảng

Ngay từ khi mới thành lập, Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930 đã nêu rõ nhiệm vụ của Đảng là đánh đổ thực dân Pháp xâm lược và phong kiến, xóa bỏ mọi áp bức bóc lột, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Khi đất nước vừa giành được độc lập, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do độc lập khi dân được ăn no mặc ấm.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chăm lo đời sống hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng Nhà nước ta hướng tới, và muốn nâng cao đời sống nhân dân cũng như đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc thì không có con đường nào khác là phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Người, để chă­m lo tốt cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc cho nhân dân thì trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Chính phủ phải là công bộc của dân; và trách nhiệm của Đảng, Chính phủ là bảo đảm tự do hạnh phúc cho nhân dân vì “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”49.

Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước trong gần 35 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Theo đó, đời sống nhân dân liên tục được cải thiện về mọi mặt; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng50… Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời chăm lo đối với người nghèo, người lao động mất việc, giúp họ khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra51.

Trong giáo lý của đạo Phật

Nếu như “Tránh khổ tìm vui” trong tư tưởng của Đảng là đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thông qua sự công bằng và con đường chủ nghĩa xã hội thì “Tránh khổ tìm vui” trong đạo Phật là chấm dứt bản ngã, luân hồi, đi tìm hạnh phúc tột cùng của sự giác ngộ giải thoát, đạt được an vui tịch tịnh của Niết Bàn thông qua Luật Nhân Quả và con đường Bát Chánh Đạo.

Cách đây hơn 2600 năm, vì thương tưởng chúng sinh chịu nhiều đau khổ bởi sinh lão bệnh tử và luân hồi tái sinh, Thái tử Tất Đạt Đa đã khước từ mọi vinh hoa phú quý, rời bỏ hoàng cung, xuất gia tu hành vất vả với lý tưởng đi tìm con đường mang lại niềm hạnh phúc vĩnh cửu cho muôn loài. Cuối cùng, vào năm 35 tuổi, trải qua 49 ngày đêm tọa thiền bất động dưới cội cây bồ đề, Ngài đã chiến thắng hết các chướng ma, diệt trừ hết các kiết sử lậu hoặc, lần lượt nhập vào các mức thiền, và chứng đắc Phật quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, trở thành bậc đạo sư vô vàn tôn kính của chư Thiên và loài người.

Kể từ đây, chúng sinh đã có nơi nương tựa, đạo lý vi diệu đã hiện bày, con đường đưa đến sự chấm dứt hoàn toàn luân hồi đau khổ đã mở ra. Trong suốt hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, đạo Phật tuy có giáo lý trải rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội nhưng mục tiêu hướng đến cuối cùng không gì khác hơn là giúp cho chúng sinh chấm dứt khổ đau và tìm được niềm an vui hạnh phúc vững bền, hay gọi đơn giản là “Tránh khổ tìm vui”.

· Thứ hai, cả đạo lý và tư tưởng Đảng đều lấy Đạo đức làm cốt lõi.

Trong tư tưởng Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, luôn coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đạo đức luôn là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra52. Theo Người, đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Người cũng nói: Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào nhân dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã rèn luyện, phấn đấu theo những giá trị và tấm gương đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Có thể nói, nếu cán bộ, đảng viên của Đảng không phải phần lớn có được những phẩm chất đạo đức ấy, Đảng ta không thể trở thành một đảng cách mạng vững vàng, chắc chắn, vượt qua mọi thử thách, được nhân dân tin yêu, lãnh đạo toàn dân làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, như lịch sử đã thấy. Trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dạy đạo đức đó của Người. Nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã phát động phong trào đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, có thể thấy bản chất, nội dung đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân: có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác. Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tổ chức Đảng và trong nhân dân.

Trong giáo lý của đạo Phật

Không phải ngẫu nhiên ngày nay Phật giáo được nhân loại tôn vinh là một trong những tôn giáo có một triết lý sống nhân văn và thiết thực nhất. Đạo Phật là tôn giáo xuất phát từ hiện thực con người và vì con người, nhằm hướng con người đi đến hạnh phúc an lạc nên toàn bộ giáo lý của Đức Phật thể hiện một nếp sống đạo đức mà những ai thực hành đều nhận lại được niềm an vui.

Theo cách lý giải của Đạo Phật, đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm, tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người xung quanh được chuyển hóa, an vui, lợi ích. Tức đạo đức là gốc, được biểu hiện ra thành lời nói và hành động bên ngoài. Một nội tâm tràn đầy đạo đức thì luôn luôn bị thúc đẩy phải đối xử tử tế và đem an vui lợi ích cho những người xung quanh. Đạo đức là yêu cầu ban đầu của sự tu hành, và cũng là biểu hiện cuối cùng của một vị Thánh. Theo đó, những phạm trù về đạo đức trong đạo Phật được phân tích rất cụ thể chi tiết mà căn bản nhất có thể kể đến như: lòng tôn kính các bậc Thánh (trong đó Đức Phật là bậc Thánh vĩ đại nhất), tâm từ bi thương yêu tất cả chúng sinh, tâm khiêm hạ, cuộc sống vị tha, sống biết ơn, sống đơn giản, sống hòa hợp, hạnh chân thật, giữ lời hứa, tận tụy, yêu thiên nhiên…

Không chỉ số lượng những phạm trù về đạo đức của đạo Phật rộng và chi li hơn rất nhiều so với tư tưởng đảng, trong đạo Phật còn có giới luật để đảm bảo về đạo đức cho những người tu hành, có niềm tin về luật Nhân quả để giúp người tu có thêm động lực giữ gìn đạo đức, có thiền định giúp tâm đạt được trạng thái yên tĩnh để dễ phát hiện ra những niệm bất thiện trong tâm từ đó hoàn thiện đạo đức. Giáo lý của đạo Phật là nguồn tham khảo rất lớn mà Đảng có thể bổ sung cho tư tưởng của mình.

· Thứ ba, cả giáo lý đạo Phật và tư tưởng Đảng đều đề cao tinh thần cống hiến phụng sự.

Trong tư tưởng Đảng

Về hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến

tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”53. Người quan niệm: cơm cán bộ ăn, áo cán bộ mặc, vật liệu cán bộ dùng đều là của dân, thì việc phục vụ dân, làm công bộc của dân là nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, cán bộ đảng viên là đội ngũ ưu tú của dân tộc thì càng phải nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Việc phục vụ, quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân phải toàn diện về mọi mặt: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo… ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”.

Người cán bộ phải luôn nghĩ đến hiệu quả của công việc mình làm, phải tích cực học tập, bồi dưỡng chuyên môn và thường xuyên gần dân để hiểu rõ đời sống, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những điều bức xúc của dân để giải quyết kịp thời, đề xuất các giải pháp nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân…Ý thức phục vụ nhân dân không phải nằm ở Nghị quyết, Chỉ thị hô hào kêu gọi nói suông, mà phải được xuất phát từ lòng thương yêu nhân dân, từ đó có động lực để ngày đêm nghĩ cho dân, lo cho dân, lo từ việc lớn đến việc nhỏ.

Từ khi thành lập Đảng, Nhà nước đã xác định rõ vai trò dân là chủ, là gốc của đất nước và cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân là định hướng cho sự phát triển bền vững. Trải qua nhiều kỳ đại hội, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn đang và sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng của mỗi cán bộ đảng viên, bởi việc đó không những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Trong giáo lý của đạo Phật

Xét trên góc độ Nhân quả, việc cống hiến phụng sự (giúp đời, giúp người) sẽ tạo ra phước. Phước tuy là yếu tố vô hình nhưng lại chi phối rất nhiều đến cuộc sống con người. Phước là nguyên nhân của những may mắn, thành công trong cuộc đời chúng ta. Người có niềm tin vào Luật Nhân quả sẽ là người sống rất siêng năng, rất thích phụng sự để đem lại những điều lợi lạc cho người khác. Ban đầu, có thể sự siêng năng tận tụy đến từ tâm mong muốn quả báo tốt đẹp, nhưng sau đó, sự siêng năng tận tụy sẽ trở thành lối sống, lối ứng xử, một phẩm chất đạo đức tự nhiên. Đạo Phật còn dạy con người một đạo lý cao hơn là làm phước mà không chấp công; cống hiến một cách vô tư, không cầu phước, hăng say làm việc chỉ bởi yêu điều thiện, vì niềm vui được cống hiến.

Cũng theo đạo Phật, một người để có thể giải thoát khỏi luân hồi thì người đó phải sống rất tốt, rất trách nhiệm với cuộc đời. Chính vì lý do này mà đạo Phật là đạo nhập thế. Đã có rất nhiều vị thiền sư, tu sĩ tham gia vào công việc triều chính, lãnh đạo và tham gia đánh giặc thời chiến, giúp đỡ nhân dân thời bình. Càng tránh đời, sống ích kỷ chỉ biết mình thì phước ngày càng tổn giảm và con đường giải thoát ngày càng xa.

Tuy nhiên, có được sự cống hiến là rất khó, vì giúp người giúp đời đi ngược lại bản năng ích kỷ của con người. Để có thể cống hiến, người đó phải chấp nhận thiệt thòi về mình, chấp nhận hao tổn về sức lực, tiền bạc, áp lực từ những người xung quanh không hiểu và thông cảm cho… Giáo lý đạo Phật giúp chúng ta vượt qua được tâm lý ích kỷ này, bởi vì: Giáo lý đạo Phật có luật Nhân quả công bằng dạy con người làm điều gì sẽ nhận lại kết quả tương xứng; có giáo lý vô thường nhắc con người sống tốt với cuộc đời vì thân này không thường còn, ngày trở về cát bụi chỉ tội phước đem theo; có thiền định hướng về mục tiêu vô ngã để gạn lọc tâm ích kỷ mà sống vị tha. Bậc Thánh trong đạo Phật là những vị sống tuyệt đối vị tha. Giáo lý đạo

Phật là nguồn rất hay mà Đảng nên tham khảo để bổ sung cho vững chắc tư tưởng của mình.

· Thứ tư, cả đạo lý và tư tưởng Đảng đều đề cao tình yêu thương.

Trong tư tưởng Đảng

Trước khi Đảng thành lập, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế đã bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại. Theo đó, mục tiêu đoàn kết toàn nhân loại là vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm dụng binh là việc nhân nghĩa để cứu dân, cứu nước và xác định chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn bất kỳ tia hy vọng nào cứu vãn hòa bình để tiết kiệm xương máu của cả hai bên.

Ngày nay, trong bối cảnh mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên định, nhất quán tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” theo phương châm “muốn là bạn với tất cả các nước” của Đại hội VII, “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” của Đại hội IX, “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” của Đại hội XI và điều này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều kết quả tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân dân thế giới.

Trong giáo lý của đạo Phật

Nếu như tư tưởng Đảng là tình yêu thương đồng chí, tình yêu dân, yêu thương nhân loại thì trong đạo lý của Đạo Phật, tình yêu thương là lòng Từ bi với mọi người mọi loài không biên giới.

Tình thương bao la rộng lớn là giá trị căn bản của các tôn giáo nhưng mỗi tôn giáo vẫn có đôi chút khác nhau khi nói về loại tình thương này. Hồi giáo kêu gọi thương yêu giữa những người đồng đạo với nhau. Kitô giáo theo lời Jésus thương cả kẻ thù của mình. Khổng tử cũng đề cao lòng Nhân. Còn trong đạo Phật, đó là lòng Từ Bi thương yêu tất cả chúng sinh không điều kiện, không đòi hỏi phải được đáp trả trở lại.

Tình thương đó không chỉ dành cho những người thân quen và có duyên lành với mình mà còn với những người mưu hại, nói xấu, xúc phạm mình, với những vong linh trong cõi giới siêu hình, với các loài súc sinh khắp cả trời đầy cả đất, với chúng sinh đọa đày dưới địa ngục, với cỏ cây chim thú. Tình thương rộng lớn mà đạo Phật nhắm đến gần như tuyệt đối. Đức Phật đã đạt được tình thương như thế và những ai tu theo Phật cũng sẽ phải đi theo hướng đó, về một tình thương phủ trùm tuyệt đối đến tất cả muôn loài.

Tôn giáo nào cũng đề cao tình thương rộng lớn, như chỉ trong đạo Phật mới có con đường đi rất rõ, là quán từ bi, kết hợp với thiền định phá trừ ngã chấp, rồi từ bi xuất hiện. Chưa tu tập, tình yêu thương của ai cũng thiên vị riêng tư. Nhưng có giáo lý của đạo Phật rồi, nếu quyết tâm tu, tình thương riêng tư sẽ giảm bớt dần dần. Đây là điều mà Đảng cũng rất cần tham khảo để bổ sung thêm cho tư tưởng của mình.

Tiểu kết: Có thể nói, những đạo lý về Luật nhân quả, Vô ngã… của Đạo Phật sẽ là sự bổ sung cần thiết để hoàn thiện tư tưởng Đảng, từ đó tiến tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước XHCN.

KẾT LUẬN

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Thực tiễn cho thấy, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số đang là đối tượng chủ yếu để các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá trên các trang mạng xã hội. Trước tình hình đó, không ít thanh niên đã có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng niềm tin vào Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng không còn chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó có đội ngũ thanh niên – chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tiếp nối truyền thống vẻ vang hơn 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống 90 năm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng thời, để xây dựng Đảng vững mạnh, mỗi cán bộ đảng viên phải là những con người có phẩm chất đạo đức tốt mà giáo lý của đạo Phật sẽ là nguồn tham khảo rất giá trị để Đảng có thể bổ sung và hoàn thiện thêm cho tư tưởng của mình.

Chú thích:

39. Ngày nay, Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước, là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đến đời sống tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, vừa góp phần loại bỏ các tà đạo nhằm làm lành mạnh hóa sinh hoạt tôn giáo. Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Bên cạnh đó, Đảng cũng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo có phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu, tích cực, tận tụy đối với nhiệm vụ được giao. Xem thêm thông tin tại: TS. Vũ Trung Kiên (2021), Quan điểm, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là nhất quán. Website, http://www.thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/quan-diem-chinh-sach-ve-ton-giao-cua-dang-va-nha-nuoc-viet-nam-la-nhat-quan-197853, truy cập ngày 26/12/2021. ThS Nguyễn Ngọc Hương (2021), Quan điểm của Đảng ta về tôn giáo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Website:https://sonoivu.namdinh.gov.vn/qlnn-ve-ton-giao/quan-diem-cua-dang-ta-ve-ton-giao-trong-van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-1879, truy cập ngày 26/12/2021.

40. Tứ trọng ân: Ân Tam bảo, ân quốc gia, ân cha mẹ, ân chúng sanh

41. Thời Đinh Tiên Hoàng có thiền sư Ngô Chân Lưu được phong làm Quốc sư, thời Tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh có công tạo dựng nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn đăng quang. Khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã điều hành đất nước bằng tinh thần từ bi và hướng thiện của Phật giáo, giáo hóa dân chúng bằng những chính sách hết sức nhân văn và bác ái. Đời Trần có các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm rạng danh Phật giáo và dân tộc bằng cách hài hòa cả hai vai trò, vị vua đạo và vua đời. Sự dung hòa một cách tài tình giữa Phật giáo và dân tộc trong cuộc dựng nước và giữ nước đã trở thành tư tưởng chủ đạo, góp phần gìn giữ nền tự chủ của đất nước.

42. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc ta trong thế kỷ 20, chùa Cổ Lễ (Nam Định) có 35 ni, sư cởi áo cà sa ra tiền tuyến giết giặc, bảo vệ quê hương, trong đó có 12 người đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu được nhà nước công nhận liệt sỹ. Các nhà sư còn lại nhiều người đã trở thành sĩ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.

43. Chùa Đồng Kỵ ( Bắc Ninh) từng nuôi giấu nhiều cán bộ của Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa (1940 – 1945) như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng… chùa Phổ Minh (thành phố Vị Thanh) từng nuôi chứa, che chở cho 130 cán bộ hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ – ngụy. Chùa Phương Quả (Thái Bình) là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh cốt cán. Chùa Mật Đa (Thanh Hóa) là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, cấp cứu và nuôi dưỡng bộ đội trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ…

44. Hòa thượng Thích Thanh Dũng và rất đông tăng ni ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đã được Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Liệt sỹ Hữu Nhem (Cà Mau) trong kháng chiến chống Mỹ giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là hành động “vị pháp thiêu thân” của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rạng danh cho những người con Phật ở Việt Nam. Ngoài ra còn biết bao nhà sư thầm lặng góp sức vào thành công của dân tộc làm dày thêm lịch sử hào hùng của dân tộc.

45. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật pháp dành cho thanh thiếu niên. Thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ về luật nhân quả, lòng sự biết ơn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là tình yêu rừng và quyết tâm phủ xanh đất trống đồi trọc.

46. GHPGVN là thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Hội Liên hữu Phật giáo thế giới tại thủ đô Cô-lôm-bô, Xri Lan-ca; Hội Phật giáo châu Á vì hòa bình; Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp; Hội Đệ tử Như Lai tối thượng (Xri Lan-ca); Ủy ban quốc tế Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc (IOC, Thái Lan); Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo thế giới tại Thái Lan; Hội Sakyadhita thế giới; Liên minh Phật giáo toàn cầu tại Ấn Độ…GHPGVN đã và đang liên kết thân hữu với Phật giáo các nước Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Trung Quốc, Mi-an-ma, Mông Cổ, Xri Lan-ca, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Pháp, vùng lãnh thổ Đài Loan và một số các nước thuộc châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ.

47. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam năm 2021, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Từ phát động này, các tăng ni, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước liên tục có đơn đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch. Để góp phần chia sẻ những khó khăn với các chiến sĩ, bệnh nhân đang ngày đêm chống dịch, nhiều chùa và cơ sở thờ tự thuộc GHPG Việt Nam đã đồng lòng nấu những bữa cơm mang tới phục vụ tới các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly; đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến và khu cách ly; Tổng số tiền ủng hộ quỹ vắc xin và các thiết bị y tế ước tính 382,5 tỷ đồng; tổ chức cầu siêu cho các vong linh của những người tử vong do đại dịch Covid-19; đưa các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch Covid-19 thành các chuyên đề kết hợp trong các bài thuyết pháp online trên các phương tiện truyền thông.

48. Hòa thượng Thích Thanh Tứ (2011), Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân. Website: http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/phat-giao-viet-nam-trong-su-nghiep-doi-moi-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc/2671.html, truy cập ngày 26/12/2021.

49. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi.”

50. Chính phủ đề ra Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 – 2020) với số vốn từ ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng…; 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó, 13% thuộc tầng lớp khá giả theo chuẩn thế giới

51. Đảng, Chính phủ đã quyết định nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đối tượng người nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là những người có thu nhập thấp 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020, với tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 62 nghìn tỷ đồng, tổng số hộ được hỗ trợ là 2.244.000 hộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm, trách nhiệm tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng số tiền, hiện vật đã ủng hộ là gần 1.600 tỷ đồng…

52. Trong cuốn Đường kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành ngay trang đầu tiên để viết về tư cách đạo đức của người cách mạng. Sau này, đạo đức cũng là chủ đề trọng tâm xuyên suốt nhiều tác phẩm như: Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969). Tổng kết 30 năm Ngày Đảng ta thành lập (năm 1960), Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

53. Hồ Chí Minh: Toàn tập (1996), tlđd, tập 10, tr. 323

TIẾN SĨ VƯƠNG TẤN VIỆT (THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments